Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Tại Hội nghị cấp cao về Lương thực thế giới ở Roma (Italy) vào tháng 11/1996, các nhà lãnh đạo 180 quốc gia đã đặt mục tiêu giảm một nửa số người đói toàn cầu vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, các nước đang phát triển vẫn còn 820 triệu người đói, chỉ giảm 3 triệu người so với 823 triệu người đói năm 1990.
Mặc dù trên thực tế, tỷ lệ người thiếu ăn tại các nước nghèo đã giảm từ 20% giai đoạn 1990-1992 xuống 17% giai đoạn 2001-2003 (giai đoạn FAO vừa tiến hành điều tra, Tổng Thư ký FAO Jacques Diouf cho rằng “không đạt được tiến bộ thật sự nào” và việc giảm 3 triệu người đói “có thể là một sai lầm về thống kê”.
Báo cáo “An ninh lương thực thế giới” của FAO nhận định “những xu hướng thời gian qua rất đáng lo ngại”: số người đói tăng thêm 26 triệu tính từ giai đoạn 1995-1997 đến 2001-2003, bất chấp việc giảm được 100 triệu người đói trong những năm 1980. Điều này phản ánh sự cách biệt lớn giữa các khu vực.
Châu Á – Thái Bình Dương đã có một số tiến triển, trừ Bắc Triều Tiên, Bangladesh và Pakistan. Riêng tại Trung Quốc, số người suy dinh dưỡng đã giảm 45 triệu. Các nước Nam Mỹ cũng có cải thiện, trừ Venezuela.
Trái lại, FAO nhấn mạnh rằng số người thiếu ăn tăng lên ở Trung Đông, Bắc Phi và vùng Nam sa mạc Sahara. Khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi hạ có số người đói tăng từ 169 triệu lên 206 triệu trong 10 năm, trong khi mục tiêu là giảm còn 85 triệu người đói vào năm 2015. Các nước trong tình trạng nguy hiểm chính là những nước luôn có xung đột vũ trang: Burundi, Eritoria, Liberia, Sierra Leon và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tại Trung Đông và Bắc Phi, số người đói dự báo sẽ tăng lên 36 triệu vào năm 2015 so với 24 triệu người đói năm 1990.
FAO cho rằng dựa vào các kết quả trên, chỉ có Đông Á đạt mục tiêu giảm một nửa số người đói trong giai đoạn 1990-2015, trong khi Đông Nam Á và Nam Mỹ giảm được một phần ba.
Báo cáo của FAO chỉ rõ việc số người đói tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn cho thấy không có tiến bộ đáng kể nào nếu thiếu đầu tư mạnh cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Báo cáo cho rằng “việc tăng sản lượng nông nghiệp có thể tăng sản lượng lương thực, giảm giá lương thực tại các thị trường địa phương, tăng thu nhập nông nghiệp và năng động hóa nền kinh tế địa phương thông qua việc tạo ra nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ địa phương”.
Hoàng Anh (theo Nhân Dân)