Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là một trong những sự kiện lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống, tăng cường quảng bá tới du khách, kích cầu du lịch; đồng thời, nâng tầm hình ảnh và vị thế của Huế... Chương trình đã được tổ chức từ năm 2005.
Theo kế hoạch, Festival sẽ diễn ra từ ngày 28/4/2023-5/5/2023, trong đó lễ khai mạc tổ chức vào tối 28/4 và bế mạc vào tối 05/5/2023. Không gian chính trải dài xuyên suốt hai bên bờ sông Hương và nhiều khu vực khác trên địa bàn TP. Huế.
Chương trình chính gồm không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống của các thành phố quốc tế; không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế và một số địa phương tiêu biểu trong cả nước, như: Lễ hội ẩm thực chủ đề "Tinh hoa nghề Bún"; chương trình nghệ thuật khai mạc; chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa TP. Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế; lễ hội Quảng diễn đường phố; lễ hội Tri ân dòng Hương - thuyền hoa đăng trên sông; lễ tế Tổ bách nghệ và lễ rước...
Bên cạnh đó là các hoạt động hưởng ứng, hoạt động cộng đồng, gồm: Bình chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu; xác lập một kỷ lục mới liên quan đến nghề truyền thống được thực hiện tại Festival nghề truyền thống Huế 2023; Lễ hội Festival Thuận An Biển gọi năm 2023; không gian thủ công mỹ nghệ sáng tạo; các chương trình nghệ thuật "Giai điệu Tổ quốc", "Giai điệu trữ tình"; "Giai điệu trẻ"; các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho giới trẻ tại các sân khấu và phố đi bộ; các hoạt động: Liên hoan Võ thuật, thi đấu cờ người, trò chơi dân gian, Dance sport, dân vũ, Jogging, VnExpress Marathon,…
Về quy mô và phương án tổ chức, trọng tâm là giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống Huế, của các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế như: Kim hoàn, thêu, pháp lam, chạm khảm, đúc đồng, mộc mỹ nghệ, trúc chỉ, dệt Zèng, gốm, may áo dài, sản phẩm mây tre, cỏ bàng, nón lá, hoa giấy, tranh dân gian, đèn lồng, diều, ẩm thực, giới thiệu y học cổ truyền Huế, đặc sản địa phương. Xây dựng các tour du lịch, trải nghiệm...
Kỳ Festival nghề truyền thống 2023 nhằm lan tỏa niềm tự hào Huế và đánh thức được sự thích thú, ủng hộ với các sản phẩm nghề truyền thống của Huế cũng như các địa phương khác. Từ đó, kích cầu sử dụng, mua sắm của cộng đồng về các sản phẩm truyền thống này, kích cầu du lịch để Festival mang giá trị kinh tế cao hơn, phát triển nghề truyền thống, quảng bá văn hóa, tạo điều kiện để người dân Huế kinh doanh và có thu nhập tốt hơn.
Theo lãnh đạo thành phố Huế, tinh thần chung của kỳ Festival lần thứ 9 là mạnh dạn thể hiện "chất liệu Huế", nghề truyền thống Huế, con người Huế, quảng bá mảnh đất và hình ảnh Huế đến bạn bè, du khách gần xa, góp phần kích cầu du lịch, kinh tế - xã hội và tất cả các lĩnh vực khác trên địa bàn…
Kể từ khi Đề án xây dựng "Huế - Thành phố Festival" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, TP. Huế đã không ngừng nâng cao năng lực tổ chức, thể hiện tính chuyên nghiệp từ các khâu xây dựng kịch bản lễ hội, định hướng mẫu mã và chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống, đến các giải pháp truyền thông sự kiện và xúc tiến quảng bá nhằm tiếp cận đến cộng đồng cũng như mang đến những kỳ lễ hội hấp dẫn, chất lượng, công phu...
Các hoạt động này đã phát huy thương hiệu và vị thế của Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương, "giữ chân" du khách với mảnh đất Cố đô, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trên địa bàn, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch Huế, miền Trung nói riêng và cả nước nói chung…
Minh Trang