Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BCT hướng dẫn thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong FTA Việt Nam- EAEU. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10 tới.
Theo đó, Hiệp định này cho phép bên nhập khẩu tạm ngừng ưu đãi thuế quan nếu phát hiện có gian lận xuất xứ hoặc nước xuất khẩu không hợp tác xác minh xuất xứ một cách có hệ thống.
Bên nhập khẩu áp dụng ngừng ưu đãi theo từng bước: Đối với lô hàng vi phạm; đối với hàng hoá của các doanh nghiệp có liên quan; đối với toàn bộ hàng hoá giống hệt theo phân loại danh mục hàng hoá nếu các biện pháp trước không đủ để ngăn chặn các hành vi gian lận.
Trước khi áp dụng điều khoản, hai bên phải thực hiện quy trình tham vấn chặt chẽ để khắc phục vấn đề. Thời gian áp dụng tạm ngừng ưu đãi là 4 tháng và được phép gia hạn 3 tháng.
Việc tạm dừng cho hưởng ưu đãi khác với từ chối cho hưởng ưu đãi. Việc từ chối cho hưởng ưu đãi chỉ áp dụng đối với lô hàng có nghi ngờ gian lận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu. Quy định này không áp dụng đối với hàng hóa liên quan hoặc doanh nghiệp liên quan. Lô hàng sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi sau khi có kết quả xác minh đạt xuất xứ theo EAEU.
Bên cạnh đó, FTA Việt Nam- EAEU cho phép áp dụng nguyên tắc linh hoạt 15% tính theo giá FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất, chưa bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hoá tới cảng của bên nhập) đối với đơn vị sản phẩm hoặc bộ sản phẩm. Ví dụ, một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm đơn lẻ vẫn được coi là có xuất xứ khi 15% trị giá tổng sản phẩm không đạt xuất xứ. Mức linh hoạt này là 15% tính theo giá xuất xưởng trong khuôn khổ GSP và 10% theo giá FOB tại các FTA Việt Nam đã tham gia.
Hiệp định này còn có quy định về điều khoản mua bán trực tiếp. Điều khoản này cho phép áp dụng hóa đơn nước thứ ba ngoài Hiệp định nhưng loại trừ một số quốc đảo phía EAEU cho rằng có nguy cơ gian lận thương mại.
Do chính sách thuế của các quốc đảo này (thuế nhập khẩu 0%), hàng hóa tăng khả năng gian lận thuế khi có sự tham gia phát hành hóa đơn của công ty trung gian đặt trụ sở tại các quốc đảo đó. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền của hai bên đã đàm phán, xây dựng danh mục 30 quốc đảo không được áp dụng hóa đơn nước thứ ba khi hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU.
Ngoài ra, hiệp định này còn đặt ra yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hai bên thông báo mẫu con dấu của tổ chức được ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo FTA Việt Nam- EAEU (C/O EAV). Đây là một bước tiến hơn hẳn so với nhiều FTA Việt Nam đã ký khi các FTA yêu cầu thông báo mẫu con dấu và mẫu chữ ký của cán bộ cấp C/O. Quy định mới trong hiệp định này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa khi khác biệt về mẫu chữ ký không còn là nguyên nhân khiến C/O bị nghi ngờ tính xác thực.
C/O EAV không hạn chế số lượng mặt hàng khai báo khi cho phép sử dụng tờ khai báo đính kèm C/O. Các bên nỗ lực triển khai áp dụng Hệ thống Xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử (EOCVS) không muộn hơn 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Mục tiêu của EOCVS là việc xây dựng cơ sở dữ liệu mạng ghi lại thông tin của C/O EAV để kiểm tra tính xác thực.
Phan Trang