Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khi mọi người, mọi nhà đã trở về sum họp, cùng nhau dùng bữa cơm đoàn viên bên gia đình, thì đội ngũ y, bác sĩ vẫn lặng lẽ làm việc, chăm sóc hàng trăm bệnh nhân COVID-19. Hai năm nay đối với họ dường như không có Tết.
Đón Tết trong Bệnh viện dã chiến
Tại TP. Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Ký túc xá phía tây là 1 trong 2 đơn vị chính điều trị người mắc COVID-19. Bệnh viện dã chiến do Bệnh viện Đà Nẵng phụ trách với hơn 330 bác sĩ, nhân viên y tế là nhân lực từ các BV trên địa bàn Thành phố được điều lên đây.
Tết năm nay, vợ chồng bác sĩ Lê Đức Vĩnh-Hà Thị Thúy Nga (công tác tại BV Phụ Sản-Nhi) đều tham gia trực ở bệnh viện dã chiến.
Vợ chồng bác sĩ Lê Đức Vĩnh-Hà Thị Thúy Nga gọi điện chúc Tết người thân - Ảnh:VGP/Lưu Hương
Là những bác sĩ trẻ, mới cưới nhau gần 1 năm, Tết đầu tiên sau khi cưới, tưởng rằng sẽ tranh thủ về chúc Tt, thăm hỏi hai bên gia đình nội, ngoại thế nhưng vì dịch, anh chị tình nguyện ở lại Đà Nẵng tham gia công tác phòng chống dịch.
"Năm nay, cả 2 chúng tôi cùng đón Tết tại một địa điểm, một không gian hết sức đặc biệt, tuy nhiên chúng tôi không cảm thấy cô đơn vì nơi đây còn hàng trăm anh chị đồng nghiệp bên cạnh", bác sĩ Lê Đức Vĩnh cho biết.
Bệnh viện dã chiến KTX phía tây mở cửa, sẵn sàng đón bệnh nhân trong dịp Tết - Ảnh:VGP/Lưu Hương
Bác sĩ Hà Thị Thúy Nga chia sẻ, việc đón Giao thừa trong bệnh viện là chuyện hết sức bình thường đối với nghề y, nhưng năm nay đặc biệt hơn một chút là chị đi nguyên một tháng và ở luôn qua Tết tại Bệnh viện dã chiến.
Được biết, tại Bệnh viện dã chiến, hiện số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây khoảng 1.700-1.800 người, cao điểm lên đến 3.000 người.
Vững vàng nơi "đầu sóng"
Ngày Tết, nhưng Phòng Điều phối cấp cứu, Trung tâm 115 Đà Nẵng luôn trong không khí khẩn trương, tiếng chuông điện thoại từ tổng đài reo liên hồi.
Ngày Tết, không khí làm việc tại Trung tâm 115 Đà Nẵng vẫn rất khẩn trương - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tết này vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Trung (sinh năm 1989) công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng đều tham gia trực chiến ở tuyến đầu, gửi hai con nhỏ về quê đón Tết cùng ông bà.
Hơn 11 năm trong nghề nhưng điều dưỡng Trung đã có 9 năm đón Tết ở đơn vị. Mọi người ở lại trực tết chỉ chuẩn bị đơn giản mấy chiếc bánh chưng, chút hoa quả cúng Giao thừa. Nhiều năm đang chuẩn bị Giao thừa, có ca cấp cứu gọi tới, mọi người lại khẩn trương lên đường. Khi trở về thì đã bước sang Năm mới.
Dù nắng mưa, lễ Tết, điều dưỡng Nguyễn Trung (áo xanh) vẫn miệt mài làm nhiệm vụ - Ảnh:VGP/Lưu Hương
"Đón Tết ở đơn vị dần riết rồi cũng quen, nơi đây cũng đầm ấm như một gia đình, chỉ khác là gia đình "siêu lớn"; mình có vợ làm cùng ngành, cùng đi trực Tết nên có sự thấu hiểu và sẻ chia lẫn nhau", anh Trung cho biết.
Hai năm qua, tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng phức tạp, các ca bệnh COVID-19 tăng lên mỗi ngày, dù trời nắng, mưa hay bão lũ, dịp lễ tết, điều dưỡng Nguyễn Trung là người tham gia vận chuyển hàng trăm ca bệnh. "Bản thân đã xác định theo nghành y là đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi sự hi sinh, nên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì tôi đều sẵn sàng đảm nhận", anh Trung chia sẻ.
Năm 2020, khi Đà Nẵng là "tâm dịch’ của cả nước, anh Trung cùng đồng nghiệp công tác tại Trung tâm 115 làm việc với cường độ cao lại trong thời tiết nóng nắng làm nhiều người bị kiệt sức, sốc nhiệt… Tuy nhiên chưa một giây phút nào họ lơ là nhiệm vụ.
Tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh ở TPHCM phức tạp, anh Trung cũng xung phong vào tâm dịch hỗ trợ Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM vận chuyển bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đi điều trị.
"Ở trong tâm dịch TPHCM, để đảm bảo không ai bị lây nhiễm (vì một ca nhiễm là cả kíp trực bị cách ly), chúng tôi phải luôn mang khẩu trang 24/24, giữ khoảng cách nên chỉ có thể giao tiếp, chia sẻ với nhau qua cử chỉ và ánh mắt mà thôi. Thử thách một tháng đó đã thật sự tôi luyện tinh thần, giúp tôi thêm bản lĩnh vững vàng hơn trong nghề", anh Trung tâm sự.
Hai năm nay, để chống lại đại dịch COVID-19, nơi tuyến đầu, các y, bác sĩ, có gia đình cả vợ lẫn chồng cùng phải gửi con cho ông bà, người thân trông giúp. Mỗi người một hoàn cảnh, nỗi niềm riêng, nhưng những "chiến binh áo trắng" ấy đều chọn gác lại mọi niềm riêng, tất cả vì sức khoẻ và tính mạng của người bệnh lên trên hết.
Lưu Hương