Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh Toquoc.vn |
Tại Kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Jeju - Hàn Quốc, tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên trên thế giới được xem xét chuyển từ Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do được đánh giá cộng đồng địa phương và chính quyền các cấp của Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực to lớn để củng cố và duy trì sức sống cho di sản này.
Mặt khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trên phương diện hiệu quả kinh tế - xã hội, các di sản văn hóa, sau khi được UNESCO ghi danh, đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh có tính đặc thù.
Qua đó, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nâng cao vị thế về đất nước con người Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của cộng đồng dân cư nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương nhiều việc làm với thu nhập đáng kể.
Số liệu thống kê năm 2017, Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình đón trên 6,1 triệu lượt khách; doanh thu từ phí danh lam và phí chở đò đạt khoảng 652,2 tỷ đồng là minh chứng rõ ràng về lợi ích mang lại cho cộng đồng, doanh nghiệp.
Năm 2017, Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình đón trên 6,1 triệu lượt khách. |
Để những di sản này được bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị hiệu quả hơn nữa Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, các bộ, ngành, UBND các cấp, cơ quan hữu quan, cộng đồng địa phương - chủ thể di sản văn hóa cần thực hiện định hướng của UNESCO về di sản thế giới trên toàn cầu nói chung, di sản thế giới ở Việt Nam nói riêng; lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới; triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Mặt khác, các đơn vị, địa phương cần có tính toán hợp lý; giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của cộng đồng.
Đặc biệt, cần gắn kết chặt chẽ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, đồng thời kiểm soát được tác động của hoạt động du lịch tới sự bền vững của di sản văn hóa, tăng cường nguồn thu để tái đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh việc phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa, cần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhằm từng bước đưa cộng đồng, cá nhân là chủ thể di sản văn hóa vừa chủ động, tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa được trực tiếp thụ hưởng các thành quả về vật chất và tinh thần do hoạt động này mang lại./.