Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Hiện nay, ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 90% xuất khẩu gạo, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 80% xuất khẩu tôm, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Khu vực đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn như mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ…; sản xuất từng bước gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; xây dựng được một số thương hiệu nông sản; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ giúp nâng năng suất và chất lượng sản phẩm...
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của ĐBSCL như thủy sản (cá tra, tôm), lúa gạo và cây ăn trái; phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông; quy hoạch vùng nguyên liệu; hỗ trợ giống; tín dụng và tiêu thụ sản phẩm…
GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: sản xuất thiếu vững chắc, mang tính tự phát, chưa gắn với nhu cầu thị trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp chậm so với yêu cầu; chuyển đổi cơ cấu sản xuất chưa rõ nét...
Nguyên nhân một phần là thiếu cơ chế, chính sách, nhất là những chính sách tạo liên kết "4 nhà” và những cơ chế khuyến khích, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt.
Do đó, theo GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, để phát huy lợi thế so sánh, tạo giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất nông sản chủ lực, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. Trong đó, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ; phát huy lợi thế để từng bước đưa nông sản chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với sự tham gia của các đối tác quốc tế.
GS. TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết, mô hình cánh đồng mẫu lớn là sự chuyển mình của nông nghiệp Việt Nam từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, tập trung ruộng đất qua mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững với khẩu hiệu “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, nông nghiệp ĐBSCL cần khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyên canh hàng hóa, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, bốn vấn đề cần được tập trung trong thời gian tới: Liên kết vùng, gắn kết nông dân và doanh nghiệp, liên kết trong chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ.
Sắp tới, Bộ NNPTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh thành trong khu vực sẽ tổng kết, phân tích các kiến nghị để đề xuất Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu phát triển của vùng ĐBSCL.
Mạnh Hùng