Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân với cốc nước bẩn (phải) và cốc nước sau khi được làm sạch bởi tảo (trái). - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết họ đã có ý tưởng và tìm tòi nghiên cứu từ những ngày còn là sinh viên đại học.
PV: Bà có thể cung cấp thêm thông tin để bạn đọc hiểu rõ hơn về đề tài này?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân: Tập trung nghiên cứu đề tài từ cách đây hơn một năm, chúng tôi phát hiện tảo lục là loại có khả năng sống trong môi trường có nguồn nước bị ô nhiễm cao. Loại tảo này cũng chứa thành phần có thể chiết xuất thành nhiên liệu sinh học.
Cụ thể, chúng tôi đã tận dụng hàm lượng lipit cao có trong tảo lục để chiết xuất thành dầu bio diesel sinh học. Phần xác của tảo sẽ được dùng làm khí hóa hoặc nhiệt phân cho ra bio oil (dùng trong đốt dầu công nghiệp). Theo tính toán, 4kg tảo khô sẽ chiết xuất được 1 lít dầu bio diesel, 3kg xác tảo sẽ thu được khoảng 3 lít bio oil.
Chương trình học bổng khoa học L’Oréal - Unesco “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” do công ty L'Oreal và tổ chức UNESCO tổ chức, bắt đầu từ năm 2009 với mục đích ươm mầm tài năng khoa học nữ Việt Nam. Đến nay, đã có 12 nữ Tiến sỹ được trao tặng học bổng với tổng giá trị 1,8 tỷ đồng. Chương trình cũng đang tìm kiếm các Tiến sỹ trẻ dưới 35 tuổi tham gia vào chương trình học bổng quốc tế với giá trị 40.000 USD, thời gian nghiên cứu tối đa là 2 năm. |
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân: Loại tảo lục này sống được trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn. Ở nhiệt độ thích hợp nhất, từ 20 -28 độ C, chúng phát triển với tốc độ nhanh, sau 15 ngày tăng gấp 30 lần. Cứ 1 lít dung dịch nước thải, ta cho vào 100ml dung dịch tảo, có thể thu hoạch được 4 gam tảo khô sau 21 ngày.
Đề tài này áp dụng vào thực tế có thể xử lý những vùng nước bị ô nhiễm hữu cơ (ở các cơ sở chế biến gia súc gia cầm, thủy hải sản…), đồng thời hấp thu khí CO2 ở mức cao, giảm phát thải khí nhà kính, điều mà các nước công nghiệp đang rất cần. Và đặc biệt nhất, loại tảo này sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu, năng lượng sạch.
PV: Vậy hướng nghiên cứu tiếp theo của nhóm là gì, thưa bà?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân: Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về loại tảo này, nhất là về khả năng xử lý khí CO2 trong các hầm bioga. Chúng tôi cũng nghiên cứu áp dụng công nghệ chuyển bio oil thành bio diesel. Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm nguồn kinh phí để nghiên cứu và phát triển thêm dự án chuyên sâu.
PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ!
Lưu Hương