Ghi nhận ở một xã có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài
Hiện toàn xã có 2.775 hộ dân với tổng số trên 16.300 nhân khẩu nhưng theo thống kê của ngành tư pháp xã thì từ năm 1993 đến nay đã có 800 trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Chỉ tính riêng 9 tháng đấu năm cũng đã có trường 65 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, bà Lềnh Công Kíu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phú Lợi, huyện Định Quán bày tỏ.
*Vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc
Lí giải nguyên do có đông phụ nữ trên địa bàn xã lấy chồng nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan, bà Kíu cho biết, 85% dân số toàn xã là các hộ dân tộc thiểu số thì trong đó chiếm 90% là người gốc Hoa. Hiện toàn xã có 123 hộ có quốc tịch Đài Loan với 558 nhân khẩu và có khoảng 475 hộ gia đình có người thân sinh sống hoặc định cư ở nước ngoài. Vì vậy, đa phần chị em phụ nữ ở đây lấy chồng nước ngoài do người quen giới thiệu, mai mối. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà nhiều khu phố, ấp của xã có tới trên 90% hộ gia đình có con lấy chồng nước ngoài, thậm chí có hẳn “khu phố Đài Loan” (đó là khu phố 5, ấp 4) do ở đây 100% gia đình đều có ít nhất 1 người phụ nữ lấy chồng đài Loan.
Bà Lềnh Công Kíu trong một buổi sinh hoạt về chuyên đề kết hôn với người nước ngoài. Mang thắc mắc về cuộc sống của những cô dâu địa phương nơi xứ người, chúng tôi được bà Lềnh Công Kíu dẫn tới thăm một số gia đình có con lấy chồng nước ngoài thì được biết, do có điều kiện thuận lợi là gia đình gốc Hoa nên chị em lấy chồng sang đó đều có cuộc sống tương đối ổn định. Bà Thạch Thị Sen, ấp 4, xã Phú Lợi mẹ của cô dâu Lỉ Cỏn (Lê Phương) vừa mới kết hôn cuối năm 2010 thành thật chia sẻ, con gái bà lấy chồng quê Phúc Kiến, Trung Quốc; do mai mối mà thành. “Cuộc sống vợ chồng nó bây giờ cũng tương đối ổn định, hạnh phúc. Nhà chồng thương nhiều, không bắt làm gì. Anh chồng cho tiền cũng chỉ đủ xài thôi”, bà Sen nói. Trong câu chuyện kế với chúng tôi về con gái, bà Sen cho biết, tên Lê Phương của con gái bà là do chàng rể đặt trong ngày cưới để không trùng họ nhà chồng. Sau khi kết hôn, về nhà chồng do không biết tiếng Trung nên mọi giao tiếp giữa cô với nhà chồng đều phải qua “phiên dịch” là người chồng. “Chồng nó bảo sẽ không dạy nó học mà bản thân tự học lấy”, bà vô tư kể. Đến nay, con gái bà Sen đã có bầu và sắp chờ ngày sinh nở.
Theo bà Lềnh Công Kíu, điều đáng mừng là mặc dù phong trào lấy chồng nước ngoài trên địa bàn xã đã xuất hiện từ gần 20 năm song vẫn chưa xảy ra trường hợp nào đáng tiếc như các địa phương khác. Do phong tục tập quán, ngôn ngữ, môi trường sống người Hoa địa phương có phần tương tự người Đài Loan, Trung Quốc nên các cô dâu mới cũng dễ dàng hòa nhập cuộc sống. “Tuy nhiên, những trường hợp xấu chưa xảy ra chứ không phải không thể xảy ra bởi trong các cuộc kết hôn này vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn”, bà Kíu băn khoăn. Đó là các vụ kết hôn vẫn chủ yếu thông qua mai mối mà không có sự tìm hiểu, chuẩn bị kĩ càng cả từ hai phía. Cô dâu vẫn kết hôn trong tình trạng “4 không” gồm: không biết ngôn ngữ, không hiểu truyền thống văn hóa, không hiểu hoàn cảnh gia đình chú rể, thậm chí cả bản thân chú rể và không có điều kiện đảm bảo hạnh phúc. Chưa kể có rất nhiều trường hợp để nhanh chóng hợp thức hóa việc kết hôn, lợi dụng sơ hở của luật pháp, nhiều cô chỉ cần xin giấy chứng nhận còn độc thân rồi mới cùng chú rể qua kết hôn bên nước sở tại. Khi đó nếu xảy ra điều gì bất trắc, liệu ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các cô dâu? Bà Kíu đặt vấn đề. Ngoài ra, còn tình trạng đảm bảo tương lai cho những đứa trẻ trong các vụ hôn nhân này phát triển khi chúng được đưa về sinh sống tại địa phương.
*Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để phần nào hạn chế những rủi ro, giúp chị em có thêm kiến thứ xây dựng hạnh phúc gia đình khi kết hôn với người nước ngoài, trong những năm qua, Hội LHPN xã đã phối hợp với ban tư pháp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền kĩ năng về hôn nhân cho các trường hợp phụ nữ có ý định kết hôn với người nước ngoài trên địa bàn xã. Đặc biệt, ngay sau khi có Chỉ thị 03/2005-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hội LHPN xã càng đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền và xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng gắn liền trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội như: thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng, cung cấp thông tin cho chị em về chuyển biến và sự phát triển của đất nước, địa phương… Từ đó nắm bắt được tình hình tư tưởng của chị em về mục tiêu ổn định kinh tế gia đình, đời sống xã hội, giúp chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn vốn vay phát triển kinh tế.
Thăm gia đình bà Thạch Thị Sen. Không chỉ quan tâm, tư vấn cho các trường hợp trước khi kết hôn, đối với những trường hợp sau khi kết hôn, Hội vẫn quan tâm thăm hỏi tình hình gia đình về cuộc sống hôn nhân tại nước ngoài. Đến nay, Hội đã tư vấn cho trên 200 trường hợp chị em lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Đa số sau khi kết hôn đều có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Bà Lềnh Công Kíu cũng cho biết, trong công tác tuyên truyền, Hội còn hướng dẫn gia đình có trẻ em mang quốc tịch nước ngoài, trẻ em lai về sinh sống tại địa phương được chăm sóc sức khỏe ban đầu như tiêm chủng theo chương trình quốc gia, uống vitamin A theo định kỳ…
Trong xây dựng tổ chức Hội, hầu hết các hộ có thân nhân nước ngoài đều được vận động và tham gia là hội viên trong các chi, tổ hội của Hội phụ nữ xã. Chú trong tạo mối quan hệ đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ thông qua nhiều mô hình như: tổ tương trợ, tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ phụ nữ gia đình không có người thân vi phạp pháp luật… và các phong trào xã hội tại địa phương.
Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để tạo uy tín niềm tin của các trường hợp có thân nhân nước ngoài với tổ chức Hội, trong thời gian qua, phát huy vai trò của mình, Hội phụ nữ xã cũng đã tư vấn và hòa giải thành công 2 trường hợp kết hôn với người nước ngoài nhưng trong quá trình sống xảy ra mâu thuẫn trở về sum họp đoàn tụ với gia đình tại Đài Loan…
Bà Kíu nhấn mạnh. “Mục đích của việc tuyên truyền để chị em hiểu rằng kinh tế không phải là vấn đề quyết định khi kết hôn mà hạnh phúc gia đình mới là điều quan trọng nhất. Có như vậy, chị em mới chủ động chuẩn bị mọi kỹ năng cần thiết, tạo dựng và giữ gìn hạnh phúc lâu dài của mình tại nước ngoài, tránh xảy ra những hậu quả đau lòng cho gia đình, hệ lụy cho xã hội”.
N.L