Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những năm qua, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện Gia Bình đã xây dựng 3 bãi chứa và xử lý rác thải ở xã Đại Bái với diện tích 0,62 ha, Nhân Thắng 0,7 ha và thị trấn Gia Bình 0,56 ha, còn lại hầu hết các bãi rác trong các thôn, xã đều là bãi rác tạm, không được quy hoạch, thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Tại các làng nghề Đại Bái và Xuân Lai, lượng rác thải sinh hoạt cộng với rác thải làng nghề đang trở nên quá tải.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Gia Bình cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt của các thôn, đồng thời tập trung vận chuyển những “bãi rác cóc” ở các ao hồ, chân đê… bảo đảm cảnh quan môi trường sinh thái nông thôn. Về xây dựng các điểm tập kết rác thải nông thôn, ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện rà soát các điểm dự kiến xây dựng bãi rác thải bảo đảm các tiêu chí đã đặt ra như: phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cách khu dân cư khoảng 500m, có đường để cho xe vào vận chuyển rác, tránh hướng gió thổi vào khu dân cư.
Đến đầu tháng 3-2011, 100% các xã, thị trấn đã hoàn thành việc lựa chọn địa điểm xây dựng bãi tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn với 70 bãi tập kết/ 74 thôn. Đến nay, các thôn, xã đã hoàn thành việc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trình lên phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định. Hiện đã có 24/70 điểm tập kết trung chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn đã được phê duyệt thuộc 5 xã thị trấn là: Cao Đức, Đại Lai, Xuân Lai, Thái Bảo và thị trấn Gia Bình với tổng diện tích quy hoạch 9.600m2.
Tuy nhiên, đến nay mới có 2 điểm tập kết trung chuyển rác thải thuộc xã Cao Đức đã được tổ chức thi công. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyện triển khai chậm việc xây dựng bãi rác sinh hoạt thôn, trong đó nguyên nhân chủ yếu: các xã triển khai chậm việc rà soát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật…, nguồn ngân sách của các xã hạn chế nên thiếu kinh phí để đầu tư xây dựng”.
Một trong những khó khăn nữa của Gia Bình trong việc xử lý rác thải sinh hoạt là chưa có bãi rác thải chung của toàn huyện; công nghệ xử lý còn lạc hậu, hầu hết các bãi rác ở các thôn xã được chôn lấp theo phương pháp thủ công rải vôi bột ủ vài ngày trước khi chôn lấp, rác thải không được phân loại, không được xử lý đúng quy trình kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải nông thôn, và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện yêu cầu sau khi có kết quả thẩm định của Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND các xã, thị trấn cần thành lập ban quản lý, ban giám sát dự án, ra quyết định chỉ định thầu và tổ chức ký hợp đồng thi công. Ngay sau khi hoàn thành việc xây dựng, các thôn, xã cần thành lập tổ vệ sinh môi trường, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Để xử lý tốt vấn đề rác thải sinh hoạt, huyện cũng rất cần sự hỗ trợ về kinh phí để xây dựng bãi tập kết rác thải chung của huyện với hệ thống xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại.
Phương Mai