Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,06% xuống 2.182 điểm. Đáng chú ý, 7/9 mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, trong đó có cà phê chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh đó, thị trường kim loại cũng diễn biến phân hóa nhưng mức biến động không lớn.
Thời tiết Brazil thuận lợi kéo giá cà phê lao dốc
Khép lại phiên giao dịch hôm qua, sắc đỏ bao trùm lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá cà phê Arabica giảm 2,73% so với tham chiếu và giá cà phê Robusta đánh mất 2,39% về 4.337 USD/tấn, thấp nhất trong hơn hai tháng. Nguyên nhân chính đến từ việc chênh lệch tỷ giá gia tăng kết hợp cùng thông tin cơ bản về cải thiện mùa vụ tại Brazil.
Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số Dollar Index giảm 0,36% trong phiên hôm qua, đồng Real của Brazil lại giảm mạnh hơn khiến tỷ giá USD/BRL tăng (trong khung thời gian cà phê giao dịch). Trong bối cảnh này, thị trường lo ngại nông dân Brazil sẽ đẩy mạnh bán ra do thu về nhiều ngoại tệ hơn, từ đó tạo áp lực giảm giá.
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (25/10), giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động trong khoảng 108.400 - 108.700 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 60.200 - 61.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã tăng hơn 40.000 đồng/kg so với mức 67.500 - 68.400 đồng/kg.
Diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao tiếp tục dẫn dắt đà giảm của nhóm nguyên liệu công nghiệp sau khi đánh mất 3,5% trong phiên hôm qua. Đáng chú ý, áp lực giảm đến từ triển vọng cải thiện mùa vụ và xuất khẩu của Bờ Biển Ngà - quốc gia sản xuất và xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, giá bông cũng giảm 0,63% do số liệu xuất khẩu bông Mỹ tăng mạnh. Theo báo cáo xuất khẩu tuần 11-17/10, doanh số bán bông Mỹ đạt 169.700 kiện, tăng 6% so với tuần trước và cao hơn 57% so với mức trung bình 4 tuần gần nhất. Song song với đó, xuất khẩu bông đạt 98.400 kiện, tăng lần lượt 70% và 16% so với tuần trước và mức trung bình 4 tuần.
Thị trường kim loại diễn biến phân hóa
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, thị trường kim loại diễn biến phân hóa, trong đó tất cả các mặt hàng đều ghi nhận mức biến động thấp, thay đổi không quá 0,1% so với mức tham chiếu.
Cụ thể, đối với kim loại quý, giá bạc giảm nhẹ 0,13% về 33,79 USD/ounce, trong khi giá bạch kim phục hồi 0,38% lên 1.033,6 USD/ounce. Trong bối cảnh thông tin cơ bản đang khá trái chiều, giá kim loại quý có sự phân hóa rõ rệt.
Một mặt, lo ngại về sự không chắc chắn liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, cùng với xung đột tại Trung Đông vẫn đang thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ kim loại quý như một công cụ phòng ngừa rủi ro, qua đó hỗ trợ cho giá. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn, vai trò trú ẩn của kim loại quý đang dần bị thất thế khi thị trường chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư rủi ro khác như thị trường chứng khoán Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Mỹ vào hôm qua đã báo cáo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm xuống 227.000 đơn trong tuần trước. Bên cạnh đó, báo cáo sơ bộ từ S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ tiếp tục cải thiện trong tháng 10, trong đó chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và dịch vụ lần lượt đạt 47,8 và 55,3 điểm, cả hai con số này đều cao hơn so với kỳ vọng và số liệu tháng trước.
Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng đều trải qua phiên biến động khá hẹp. Trong đó, diễn biến đáng chú ý nhất là giá kẽm LME với mức tăng 0,97% lên 3.174,5 USD/tấn - mức cao nhất 20 tháng trở lại đây.
Giá kẽm bật tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ lo ngại nguồn cung gặp gián đoạn. Theo Bloomberg, tập đoàn sản xuất kẽm hàng đầu Teck Resources đã hạ mục tiêu sản lượng sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy luyện kim ở Canada. Cụ thể, Teck cho biết sản lượng kẽm tinh chế năm nay của họ có thể thấp hơn tới 12% so với dự kiến trước đó, tương đương giảm khoảng 40.000 tấn. Trong bối cảnh này, mặc dù việc giảm 40.000 tấn không có tác động quá lớn khi nguồn cung toàn cầu có khoảng 14 triệu tấn, tuy nhiên điều này lại diễn ra trong thời điểm có nhiều lo ngại về gián đoạn nguồn cung gia tăng.