• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giá dầu thô tiết lộ gì về 'sức khỏe' kinh tế toàn cầu?

(Chinhphu.vn) - Sự ổn định của giá dầu thô có thể tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

22/06/2023 16:19
Giá dầu thô tiết lộ gì về 'sức khỏe' kinh tế toàn cầu? - Ảnh 1.

Giá dầu thô thế giới duy trì xu hướng đi ngang kể từ tháng 3. Kết thúc phiên 21/6, Hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 trên Sở NYMEX tăng 1,88% lên 72,53 USD/thùng và hợp đồng dầu thô Brent tháng 8 cùng kỳ hạn trên Sở ICE EU tăng 1,61% lên 77,12 USD/thùng.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), không chỉ giá 2 mặt hàng dầu thô đều đang thấp hơn gần 40% so với cùng kỳ năm 2022, mà mức độ biến động của thị trường dầu cũng đã giảm đi rất nhiều. Mặc dù vậy, diễn biến của thị trường dầu thô đã phần nào phản ánh bức tranh tổng quát về bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. 

Xu hướng đi ngang kéo dài trong suốt quý II của giá dầu chịu ảnh hưởng từ cả 2 nhóm yếu tố vĩ mô và yếu tố về cung cầu. Sự trầm lắng của các hoạt động kinh tế trên toàn thế giới hiện đang tạo một lực cản rất lớn đối với giá dầu. 

Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, hay Liên minh châu Âu (EU) đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương. Tại Trung Quốc, sự phục hồi sau đại dịch vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với kỳ vọng, phản ánh qua việc các hoạt động sản xuất suy yếu và thị trường bất động sản vẫn chưa thể trở mình. 

Yếu tố giúp cân bằng lại sức ép đối với giá dầu vẫn là những lo ngại về triển vọng nguồn cung. Bên cạnh các cam kết cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nói chung và Saudi Arabia nói riêng, năng lực sản xuất dầu của Mỹ có nguy cơ suy yếu cũng là một lực đỡ khác đối với giá dầu. Cụ thể, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, chỉ còn 687 giàn trong tuần tính đến ngày 16/6, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. 

Bức tranh tiêu thụ trong nước

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, nước ta nhập khẩu 4,97 triệu tấn dầu thô và xuất khẩu 1,22 triệu tấn dầu thô. Đáng chú ý, khối lượng dầu thô nhập khẩu tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị nhập khẩu chỉ tăng 20%. Hiện Kuwait vẫn là đối tác thương mại dầu thô lớn nhất, khi nước ta nhập khẩu hơn 80% lượng dầu thô từ quốc gia này, tương đương gần 4,1 triệu tấn.  

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam, số liệu này phản ánh rằng sự suy yếu của giá dầu góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu dầu của nước ta. 

Trong nước, tại kỳ điều hành giá vào ngày 21/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên giá xăng không đổi so với kỳ điều hành trước. Cụ thể, giá xăng RON 95-III ở mức 22.010 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92-II là 20.870 đồng/lít. Tuy nhiên, giá dầu diesel tăng 150 đồng lên 18.170 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 130 đồng/lít, không cao hơn 17.956 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 130 đồng/kg, không cao hơn 14.587 đồng/kg.

Giá dầu thô tiết lộ gì về 'sức khỏe' kinh tế toàn cầu? - Ảnh 2.

Cửa sáng phục hồi kinh tế khi lạm phát và lãi suất hạ nhiệt

Nhìn chung, sự ổn định của thị trường dầu mang lại nhiều điều tích cực cho nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu và các sản phẩm lọc dầu giảm là một chất xúc tác lớn giúp cho mặt bằng chung lạm phát giảm và là một trong những điều kiện tiên quyết để các ngân hàng trung ương trên thế giới sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 5 ghi nhận mức tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ tăng 0,1% so với tháng 4. Mức tăng nhỏ nhất trong vòng 2 năm đang phản ánh xu thế lạm phát hạ nhiệt ngày một rõ ràng ở Mỹ. Đây cũng là một trong các yếu tố thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 vừa qua. 

Tại châu Á, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiến hành hạ lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm 10 điểm cơ bản xuống còn 3,55%, lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ 4,3% xuống 4,2%.

Trái lại, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vẫn đang phải duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt do lạm phát ở khu vực này vẫn cao so với mặt bằng chung. Vào ngày 15/6 vừa qua, ECB đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm. BOE được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lãi suất khi CPI tháng 5 của khu vực này vẫn cao hơn 8,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, song song với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm và lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Giá dầu thô tiết lộ gì về 'sức khỏe' kinh tế toàn cầu? - Ảnh 3.

Ông Phạm Quang Anh cũng cho biết, các quốc gia đang dần đi đến cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ và chuyển hướng sang giai đoạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự hồi phục sớm hơn nhờ việc sớm thực hiện các chính sách nới lỏng. Mặc dù vậy, tác động của các chính sách tiền tệ luôn có những độ trễ nhất định, nên những chuyển biến tích cực của nền kinh tế có thể nhìn thấy từ cuối quý III năm nay.