Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 0,25% xuống 2.277 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.350 tỷ đồng.
Lực bán mạnh trên nhóm kim loại đã đóng góp chính vào đà suy yếu của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Chốt ngày, toàn bộ 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đều giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng, với mức giảm lần lượt là 3,83% xuống 22,80 USD/ounce và 2,62% xuống 904,2 USD/ounce.
MXV cho biết, việc đồng USD duy trì đà tăng đã tiếp tục gây sức ép tới nhóm kim loại quý trong ngày hôm qua, do chi phí giao dịch trở nên đắt đỏ hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 1,79% xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng, do dữ liệu thương mại và doanh số bán ô tô yếu của Trung Quốc làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt giảm phiên thứ hai liên tiếp với mức giảm 0,74% xuống 100,29 USD/tấn. Tương tự đồng, giá sắt cũng phải chịu tác động tiêu cực từ dữ liệu thương mại yếu kém của Trung Quốc. Hơn nữa, nhập khẩu quặng sắt của nước này giảm trong tháng 7 cũng cho thấy tiêu thụ nội địa còn hạn chế.
Trên thị trường nội địa, ngày 9/8, nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép cây D10 CB300 sau gần 3 tuần đi ngang.
Theo MXV, các khó khăn cho doanh nghiệp thép được kỳ vọng sẽ hạn chế hơn vào giai đoạn cuối năm. Trong tháng 7, nhà sản xuất thép đầu ngành Hòa Phát cho biết đã sản xuất được 633.000 tấn thép thô, tăng 22% so với tháng 6/2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 555.000 tấn, tăng 3% so với tháng trước, cho thấy một vài tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm.
Ở chiều ngược lại, 2 mặt hàng dầu thô là điểm sáng trong ngày hôm qua với mức tăng tương đối mạnh, dẫn đầu đà tăng thị trường. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,2% lên sát mốc 83 USD/thùng. Dầu Brent tăng gần 1% lên mức 86,17 USD/thùng.
Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, tăng 7 USD/thùng so với báo cáo tháng 7. Lo ngại nguồn cung sụt giảm trước tác động của Saudi Arabia là nhân tố chính sẽ kéo tồn kho giảm và thúc đẩy đà tăng giá.
EIA cũng dự báo thị trường sẽ thiếu cung khoảng 640.000 thùng/ngày trong quý III và 120.000 thùng/ngày trong quý IV. Mức thâm hụt này mặc dù đã được điều chỉnh thu hẹp hơn so với 1 triệu thùng/ngày quý III và 380.000 thùng/ngày quý IV trong báo cáo tháng trước, nhưng việc duy trì quan điểm thị trường thâm hụt nửa cuối năm vẫn sẽ thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn.
Ngoài ra, xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển cũng ổn định ở mức thấp hơn so với tháng trước sau khi Nga tuyên bố giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Các lô hàng trung bình trong giai đoạn này ổn định ở mức 3,02 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 870.000 thùng/ngày so với mức đỉnh vào giữa tháng 5.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/8, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,6 triệu thùng. Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực bán nhẹ trong phiên mở cửa.