Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 25/3, Bộ Công an tổ chức tọa đàm khoa học: “Giá trị tác phẩm 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự hiện nay”, do Thượng tướng, PGS.TS. Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì. Học viện Chính trị Công an nhân dân là cơ quan thường trực tọa đàm.
Tọa đàm có sự tham gia phối hợp, đồng chủ trì tổ chức của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Đến dự tọa đàm có trên 300 đại biểu, khách mời đại diện các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng công an nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn...
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự chú ý, đón nhận đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tọa đàm tiếp tục đi sâu phân tích, luận giải, làm rõ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về giá trị tác phẩm dưới cả phương diện lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn đối với việc nghiên cứu, quán triệt, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong bối cảnh tình hình mới.
Kết quả tọa đàm khoa học sẽ góp phần cung cấp thêm những luận cứ hữu ích phục vụ cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền tham vấn trong quá trình xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và hiện đại vào năm 2030.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, với thái độ nghiêm túc trong khoa học, tọa đàm đã thành công tốt đẹp và đề nghị các đại biểu, các cơ quan phối hợp, các đơn vị trong công an nhân dân tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tới cán bộ, đảng viên về nội dung, ý nghĩa của cuốn sách và nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn công tác của đơn vị, địa phương mình.
Nhật Nam