Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu các Bộ GTVT, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Ngoại giao về quy định của Liên minh Châu Âu về phát triển bền vững trong lĩnh vực hàng không và tác động đến Việt Nam, để xây dựng và triển khai các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm và tăng cường năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã ban hành Hướng dẫn về nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) để thông báo cho các quốc gia thành viên ICAO về cách nhiên liệu hàng không bền vững có thể được triển khai để giảm phát thải CO2 từ các hoạt động hàng không quốc tế.
Cơ quan này cũng hướng dẫn mô tả các lộ trình sản xuất nhiên liệu, hạn chế sử dụng, lợi ích về môi trường và các lợi ích khác, cùng quan điểm chính sách về việc sử dụng và phát triển SAF; Ban hành Khung toàn cầu về hàng không và nhiên liệu thay thế (GFAAF) là cơ sở dữ liệu trực tuyến để chia sẻ thông tin liên quan đến nhiên liệu hàng không bền vững.
Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) theo các phân tích kỹ thuật do ICAO thực hiện được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất trong việc giảm lượng khí thải CO2 từ các hoạt động hàng không để đáp ứng cam kết của ngành hàng không phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của hàng không thế giới và hàng không Việt Nam. Nguyên nhân do các giải pháp khác như máy bay động cơ điện hiện chưa khả thi.
Ước tính hiện tại, ngành hàng không yêu cầu phải giảm 1,8 gigaton carbon vào năm 2050, tương đương 65% lượng giảm dự kiến đến từ việc sử dụng SAF, với 19% không thể loại bỏ được sẽ được bù đắp bằng giao dịch carbon hoặc thu giữ carbon.
Các công nghệ mới khác (bao gồm cả máy bay điện) dự kiến chỉ chiếm 13% tổng lượng giảm vào năm 2050.
Một số dự án sản xuất SAF đã công bố có thể cho phép tiêu thụ 8 tỷ lít mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2025, dù khoản đầu tư cần thiết để đạt 449 tỷ lít vào năm 2050 rất lớn. Bên cạnh đó, giá thành của SAF rất cao, gấp từ 2 tới 6 lần nhiên liệu truyền thống JET A1 với nguồn cung hạn chế, hiện mới đáp ứng 0,1% nhu cầu của các hãng hàng không toàn cầu.
Với chính sách Refuel EU, theo quan điểm của EU, chính sách này được ban hành nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) như một công cụ mạnh mẽ nhất để giảm lượng khí thải CO2 của hàng không.
Biện pháp này là một phần của gói Fit for 55 của EU nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải 55% vào năm 2030.
Quy định này đặt ra yêu cầu với các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không nhằm tăng dần tỷ lệ SAF pha trộn vào nhiên liệu hàng không thường được cung cấp tại các sân bay EU (2% tỷ lệ SAF tại các sân bay EU từ năm 2025; 70% tỷ lệ SAF tại tất cả các sân bay EU từ năm 2050; 1,2% tỷ lệ nhiên liệu hàng không tổng hợp tại tất cả các sân bay EU từ năm 2030; 35% tỷ lệ nhiên liệu hàng không tổng hợp tại tất cả các sân bay EU từ năm 2050).
Bên cạnh đó, nhiên liệu hàng không bền vững SAF theo tiêu chuẩn của Refuel EU cũng không có sự thống nhất với nhiên liệu hàng không bền vững SAF theo tiêu chuẩn của ICAO.
Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), những quy định của EU dự kiến sẽ tác động rất lớn đến đến chi phí khai thác/giá vé và tính cạnh tranh của các hãng hàng không khai thác các chuyến bay trực tiếp giữa các khu vực EU và ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã nhiều lần trao đổi, họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan về những khó khăn của các hãng hàng không Việt Nam khi EU ban hành các chính sách mới về phát triển bền vững (đặc biệt là chính sách Refuel EU) để thống nhất đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể với Nhà nước và các bộ, ngành liên quan.
Cơ quan này cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đóng góp ý kiến cho Hội nghị ASEAN – EU về nội dung trên. Đồng thời, họp với các hãng hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị trong ngành để thống nhất phương án đề xuất, kiến nghị, trên cơ sở đó báo cáo Bộ GTVT để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, ngày 27/5, Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thực hiện thành công chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF) với số hiệu VN660, hành trình từ Singapore đến Hà Nội.
Ngày 17/10, hãng hàng không Vietjet cũng đã sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF) cho hai chuyến bay liên tiếp từ Việt Nam đi Melbourne (Australia) và Seoul (Incheon, Hàn Quốc) với các máy bay hiện đại của hãng, nhiên liệu do Petrolimex Aviation tra nạp.
Được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững như dầu ăn đã qua sử dụng, phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối gỗ, rác thải đô thị…, nhiên liệu hàng không bền vững SAF có thể giúp cắt giảm 80% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu truyền thống, đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế nghiệm ngặt, sử dụng an toàn trong hoạt động khai thác thương mại.
Trước đó, trong văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh quy định mới của EU sẽ khiến chi phí vận hành ngành hàng không tăng cao, đồng thời tác động tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu.
Chi phí vận tải hàng không sang châu Âu tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường châu Âu.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc thay đổi cách thức vận chuyển, như chuyển sang vận tải đường biển hoặc tìm kiếm thị trường mới. Điều này có thể làm thay đổi chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Quy định mới cũng tạo thách thức cho nước ta về cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện của quy định Refuel EU Aviation với Việt Nam để đề xuất các doanh nghiệp hàng không có phương án chủ động thích ứng.
Từ đó, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển ngành hàng không bền vững với lộ trình phù hợp. Đồng thời, chủ động đề xuất tham vấn, tiến hành trao đổi với các đối tác (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...) kết hợp vận động chính trị - ngoại giao nhằm có các biện pháp thích ứng phù hợp, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác (công nghệ, nhân lực, quản trị...) trong chuyển đổi sang SAF và nâng cấp đội bay.
Ngoài ra, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, theo dõi sát các động thái, chính sách của các nước, các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững ngành hàng không và các nhiên liệu SAF, các biện pháp thích ứng, các sáng kiến tập hợp lực lượng nhằm củng cố, mở rộng chuỗi cung ứng SAF khu vực và toàn cầu...
Phan Trang