Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo khảo sát trên trang bán vé của các hãng bay trong nước, đường bay du lịch được nhiều người lựa chọn là Hà Nội-Phú Quốc của Vietnam Airlines khởi hành ngày 28/4 và chiều về ngày 2/5 có giá dao động 8,5-gần 9 triệu đồng/vé khứ hồi và chỉ còn lại rất ít vé.
Trên cùng đường bày này, nếu lựa chọn hãng hàng không Bamboo Airways, giá vé thấp nhất 7,7 triệu đồng/vé khứ hồi; giá vé của Vietjet Air thấp nhất 6,7 triệu đồng/vé khứ hồi.
Với đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, các chuyến bay của Vietnam Airlines đều có giá xấp xỉ 5 triệu đồng/vé khứ hồi; của Bamboo Airways thấp nhất là 5 triệu đồng/vé khứ hồi nhưng chỉ còn rất ít vé; Vietjet Air thấp nhất khoảng 4,1 triệu đồng/vé khứ hồi.
Với hành trình Hà Nội - Nha Trang, Vietnam Airlines có giá thấp nhất hơn 7,16 triệu đồng/vé khứ hồi; Bamboo Airways thấp nhất gần 6,5 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietjet Air thấp nhất khoảng 5,85 triệu đồng/vé khứ hồi…
Đặc biệt, giá vé máy bay đi Đà Lạt từ các điểm năm nay đều tăng đột biến, dao động từ 5-6,8 triệu đồng/khứ hồi. Trong khi thường ngày, vé đi Đà Lạt chỉ dao động từ 1,2-2,5 triệu đồng/khứ hồi.
"Du lịch Phú Quốc giờ còn đắt hơn bay đi nước ngoài, chặng Hà Nội - Bangkok bay khứ hồi Vietnam Airlines chỉ 8,3 triệu đồng", chị Nguyễn Hồng Nhung, nhân viên phòng vé máy bay tại Hà Nội chia sẻ.
Đại diện các hãng bay nhìn nhận, giá vé máy bay tới các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang đang “nóng lên” từng ngày do nhu cầu lớn và khả năng cung ứng có hạn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp này, các hãng hàng không đều đã sớm xây dựng kế hoạch tăng tải, tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách.
Theo đó, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo đã sẵn sàng nguồn lực tối đa cho dịp cao điểm.
Từ ngày 24/4 đến 4/5, Vietnam Airlines Group tăng tải trên 8 đường bay gồm giữa Hà Nội với Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc và giữa TPHCM với Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.
Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không vừa có cuộc họp với các hãng hàng không về kế hoạch khai thác tăng cường dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm Hè sắp tới. Tuy nhiên, hiện chưa có phương án nào được thông qua do tình trạng quá tải hạ tầng sân bay, số khung giờ còn trống để bay không nhiều.
Mức tăng mạnh nhất là đường bay TPHCM - Đà Nẵng với việc bổ sung 46 chuyến bay, tiếp theo là Hà Nội - Đà Nẵng 40 chuyến bay, Hà Nội - Nha Trang 38 chuyến bay, TPHCM - Nha Trang 26 chuyến bay, TPHCM - Phú Quốc 22 chuyến bay. Các đường bay khác tăng 14-18 chuyến bay…
Hãng hàng không Vietjet Air thông báo tăng 152 chuyến bay mỗi ngày, cung cấp 27.600 chỗ cho hành khách đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Đồng Hới...
Bamboo Airways cũng thông báo dự kiến tăng 15% cung ứng tải nội địa, trong đó, tập trung vào đường bay Hà Nội - TPHCM/Đà Nẵng, các đường bay đi Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn…, các tuyến bay đi/đến địa phương có nhu cầu cao như Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng…
Trong giai đoạn cao điểm Hè năm nay (từ tháng 4 tới hết tháng 8/2023, gồm cả dịp lễ 30/4-1/5), mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất được điều phối 948 chuyến bay cất/hạ cánh (slot), hiện các hãng đã xác nhận khai thác 843 slot/ngày, chỉ còn trống hơn 100 slot/ngày (chủ yếu vào khung giờ đêm).
Tương tự, với sân bay Nội Bài (Hà Nội), hiện các hãng đã xác nhận khai thác 719 slot/ngày, chỉ còn trống hơn 120 slot/ngày. Đặc biệt, năm nay các đường bay quốc tế đã cơ bản khôi phục toàn bộ, thậm chí đường bay mới được mở thêm, các hãng phải giảm khai thác nội địa để bay quốc tế. Hai sân bay lớn đã gần như kín lịch.
Đại diện các hãng bay nhìn nhận, giá vé máy bay tới các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang đang “nóng lên” từng ngày do nhu cầu lớn và khả năng cung ứng có hạn. Do đó, các hãng đều khuyến cáo hành khách nên chủ động đặt vé sớm để có mức giá tốt.
Mới đây, Bộ GTVT đã công bố dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành.
Trong đó, trần giá vé máy bay đối với các đường bay từ 500 km trở lên dự kiến tăng 2,27-6,67%. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt...
Mức thuế, phí với vé máy bay nội địa hiện nay đang ở mức khá cao. Cụ thể: Vietnam Airlines trung bình khoảng 650.000 đồng/vé, Bamboo Airways khoảng 550.000 đồng/vé còn Vietjet Air vào khoảng 450.000 đồng/vé.
Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TPHCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.
Việc đưa ra khung giá máy bay mới xuất phát từ việc Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2022, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không đã tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng tới 80,9% so với tháng 9-2015. Trên cơ sở tác động của chi phí nhiên liệu và tỉ giá, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa trong quý II và III/2023. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa góp phần tăng CPI thêm khoảng 0,07 điểm %.
Ủng hộ việc tăng trần giá vé máy bay nội địa, TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, trần giá vé máy bay "đóng khung" 8 năm qua là bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào như giá nhiên liệu bay, tỉ giá, lãi suất... gần đây đều tăng mạnh. Việc nâng giá trần các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn giúp doanh nghiệp vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả. Việc này không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá và các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ.
Phan Trang