Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược Phát triển Điện ảnh đến năm 2030 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.
Điều này cũng phù hợp và đúng định hướng với những nội dung và giá trị mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt ra với những nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, đại chúng và khoa học.
Tuy nhiên, để có nền điện ảnh chuyên nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, phải có sự phối hợp đồng bộ từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan; phải cần đến định hướng chiến lược và sự đầu tư có bài bản của Nhà nước cho hoạt động điện ảnh hướng tới tính dân tộc, hiện đại, đại chúng ở tất cả các khâu sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, lưu trữ phim, đào tạo…
Trăn trở về những điều này, TS.Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và cũng là nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cùng trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ. Những chia sẻ tâm huyết của TS. Ngô Phương Lan đều hướng đến mục tiêu làm sao có được một thị trường điện ảnh tăng trưởng nhanh; gỡ vướng về cơ chế, chính sách để khuyến khích, tiếp sức và tạo động lực cho những người làm điện ảnh thực hiện những đam mê, trách nhiệm với công việc của mình; thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó tạo ra sự thành công bền vững cho điện ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời điểm chúng ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam cùng với những giá trị trường tồn của bản Đề cương, TS.Ngô Phương Lan cho rằng, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn có nhiệm vụ bám sát cuộc chiến đấu của nhân dân nên đối tượng phản ánh chính là cuộc sống và con người thời hiện đại. Ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0, xây dựng nền điện ảnh mang tính hiện đại có ý nghĩa thiết thực và cập nhật đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Qua nhiều giai đoạn phát triển, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại đã góp phần làm nên diện mạo của điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, những tác phẩm điện ảnh đạt được hiệu quả xã hội cao là sự thành công của những người làm điện ảnh, đó cũng là những tác phẩm có giá trị.
Chúng ta cũng vừa chứng kiến thị trường điện ảnh Việt Nam đang sôi động trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Đơn cử như bộ phim "Nhà bà Nữ" ra rạp vào Mồng 1 Tết Quý Mão, theo nhà sản xuất, sau 24 ngày chiếu rạp đã thu 450 tỷ đồng, phá mọi kỷ lục doanh thu ở Việt Nam, và lọt top 10 phim có doanh thu cao nhất thế giới cuối tuần. Những bộ phim khác ra rạp vào dịp Tết vừa qua đã thu hút lượng lớn khán giả đến xem và ủng hộ phim Việt… Đó là những tín hiệu đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh quốc tế và Việt Nam đã và đang dần hồi phục.
Nhớ lại thời điểm năm 2015, TS. Ngô Phương Lan cho biết, bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là bộ phim đặt hàng của Nhà nước, tuy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và ra rạp nhưng sau khi được công chiếu, bộ phim đã đạt được những thành công ngoài mong đợi, chiếm được cảm tình lớn của người xem và đạt được doanh thu cao.
Thời điểm đó cũng có nhiều ý kiến khác nhau cho rằng đây không phải phim nghệ thuật và vẫn tồn tại những ý kiến chưa thực sự coi trọng dòng phim này. Tuy nhiên, qua thời gian chúng ta vẫn thấy được sức sống của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Những định kiến này cũng tương tự như đối với các phim được công chiếu trong dịp Tết vừa qua như "Nhà bà Nữ", "Chị chị em em"…
TS. Ngô Phương Lan cho rằng, cần có cách nhìn rộng mở để khích lệ dòng phim giải trí lành mạnh, những bộ phim vẫn mang được hơi thở của cuộc sống, có thông điệp tích cực cho xã hội, trong đó là những thông điệp về gia đình, về các mối quan hệ trong xã hội, về cách đối nhân xử thế, về những triết lý sống tốt đẹp cho đời…
"Nếu chỉ tập trung vào dòng phim "nghệ thuật" mà không tính đến yếu tố khán giả thì rất khó thành công cho những bộ phim Việt Nam. Nhiều phim "nghệ thuật" nhưng không ra được rạp, không ai xem cũng rất buồn vì mục tiêu cuối cùng của tác phẩm vẫn là phục vụ khán giả.", TS. Ngô Phương Lan nói.
Từ thành công của bộ phim đặt hàng của Nhà nước "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cho thấy kết quả này là sự cố gắng từ phía nhà quản lý, nhà sản xuất phim và ê kip tạo nên bộ phim…
TS. Ngô Phương Lan cho biết, thông thường những phim do Nhà nước đặt hàng kén khán giả, tuy nhiên nếu những bộ phim có cách chuyển tải câu chuyện với những cảm xúc chân thực, đời thường lên màn ảnh sẽ đi được vào trái tim khán giả. Đó cũng chính là xu hướng để các nhà làm phim khai thác và phát triển các bộ phim.
Theo TS. Ngô Phương Lan, bộ phim "Nhà bà Nữ" do Trấn Thành sản xuất và đạo diễn được coi là lập kỷ lục về doanh thu, đó là tín hiệu rất tích cực, cần khuyến khích. Bởi để làm được bộ phim "đời" như vậy cần phải có năng lực thực sự, sự thẩm thấu cuộc sống cùng với tâm huyết và đam mê đối với điện ảnh. Chắc chắn khi bộ phim đạt được thành công lớn như vậy thì sự đầu tư từ những nguồn vốn xã hội khác, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ tốt hơn khi thị trường điện ảnh đang nóng lên.
TS. Ngô Phương Lan cho rằng, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cần có những định hướng để điện ảnh đi đúng guồng. Mặc dù những định hướng đó không phải lúc nào cũng đến được với khán giả nhưng chắc chắn sẽ đem lại sự phong phú, đường đi đúng hướng, không chệch choạc cho điện ảnh Việt Nam.
Theo TS. Ngô Phương Lan, Việt Nam có thị trường khán giả rộng lớn, tuy nhiên để tận dụng hết thị trường cả trong nước và nước ngoài còn rất nhiều việc phải làm và hiện nay cũng đang rất "chật vật" để triển khai. Phim của chúng ta ít khi bán được ra nước ngoài, ngoại trừ một số phim như "Bố già", "Hai Phượng"…, còn các phim khác không đáng kể. Việc không bán được phim ra nước ngoài cho thấy sự thiếu hụt khoảng trống trong cách xây dựng thị trường phim.
Trong nước cần có những dòng phim khác nhau, phim chính thống phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim nghệ thuật, phim tác giả, dòng phim dành cho khán giả và đó là điều mà điện ảnh nước nào cũng hướng đến.
TS. Ngô Phương Lan đưa ra ví dụ, có những nước tận dụng được cả thị trường trong nước và nước ngoài. Ví dụ Thái Lan, những bộ phim của họ không phải là những tác phẩm quá xuất sắc, có nhiều thể loại phim như: Tình cảm, giật gân, ma, hài… nhưng lại chiếm được thị trường. Ngay cả thị trường Việt Nam, phim Thái Lan cũng vào được thường xuyên. Điều này cho thấy làm sao để có chính sách quảng bá, tiếp thị hiệu quả để đưa phim Việt Nam ra nước ngoài.
Hiện nay chúng ta còn trông chờ vào các công ty tư nhân, họ chủ động đưa phim ra nước ngoài, đến các chợ phim hay có mối liên hệ với các bạn hàng để bán phim, hoặc bán cho truyền hình, cho các nền tảng; các nhà sản xuất phim cũng tự mày mò. Điều đó cho thấy, các giải pháp để đưa phim ra nước ngoài của các cơ quan quản lý chưa phát huy được hiệu quả.
TS. Ngô Phương Lan cho biết, tất cả các nhà sản xuất, nhà làm phim, các công ty kinh doanh về điện ảnh đều muốn chính danh khi tham gia các hội chợ phim quốc tế với gian hàng của Việt Nam chứ không phải của từng công ty riêng lẻ.
Vì vậy, cần phải có cơ chế thu hút được vào guồng quay của điện ảnh. Tất cả nhà quản lý, nhà làm phim, hãng phim, các nhà sản xuất, nhà phát hành cùng đồng hành.
"Tôi nhớ tại Liên hoan phim Cannes 2017, chúng ta đã tổ chức một gian hàng phim của Việt Nam, từ việc thuê, quản lý gian hàng, tổ chức đêm Việt Nam với quy mô lớn có hơn 600 khách mời hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên chúng ta không thể tổ chức hằng năm vì không có kinh phí, doanh nghiệp có thể hết lòng ủng hộ nhưng ko thể lâu dài. Từ đó chúng ta đã bỏ lỡ nhiều hội để quảng bá điện ảnh Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần phải chính sách để hỗ trợ cho phim Việt ra nước ngoài một cách đồng bộ, bài bản", TS. Ngô Phương Lan chia sẻ.
Có thể nói, việc triển khai Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã mang lại một diện mạo nhiều thay đổi cho điện ảnh Việt. Phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị thường điện ảnh. Nhiều bộ phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Kong: Đảo đầu lâu - Kong: Skull Island...
Đề cập đến vấn đề này, TS. Ngô Phương Lan cho rằng, xu hướng đa quốc gia làm phim đang phổ biến, một bộ phim có thể do nhiều nước cùng tham gia sản xuất thực hiện. Đối với Việt Nam, một là sản xuất phim hợp tác với nước ngoài, hai là thu hút đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam quay phim là những cơ hội cho chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như giúp các nhà làm điện ảnh được học hỏi, nâng cao trình độ, tiếp cận phương pháp làm phim tiên tiến, hiện đại của nước ngoài. Đơn cử các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, nhiều nhà sản xuất phim đến để mượn bối cảnh quay phim, nhờ đó sức hút du lịch của các nước này tăng gấp nhiều lần.
Về tiềm năng chúng ta có nhưng nếu không tạo điều kiện cho các nhà làm phim nước ngoài thì họ sẽ không đến. Nhiều nước ưu đãi lớn cho các đoàn làm phim. Như Mỹ quay phim từ bang này sang bang khác được ưu đãi lớn, hoàn tiền lên đến 40%, còn ở các nước khác 25% chi phí đoàn phim chi tiêu tại địa phương là phổ biến. Thái Lan trong một năm thu hút khoảng 125 đoàn làm phim lớn, nhỏ đến khai thác.
Mặc dù Luật Điện ảnh năm 2022 có ưu đãi về thuế nhưng chúng ta vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn và hiện nay để thống nhất được cũng cần nhiều thời gian.
Tuy nhiên, theo TS. Ngô Phương Lan, trong Luật Điện ảnh năm 2022 đã có những điểm cởi mở và tháo gỡ cho các đoàn làm phim nước ngoài đó là, trước đây các đoàn làm phim vào Việt Nam phải đưa kịch bản hoàn chỉnh của cả bộ phim mặc dù chỉ quay 1 phân cảnh hoặc 1 tập trong tổng thể phim nhiều tập. Nhưng hiện nay chỉ cần tóm tắt kịch bản những phần không quay, chỉ có những phần nào quay ở Việt Nam mới cần nộp kịch bản chi tiết.
Một điểm mới cởi mở hơn trong Luật Điện ảnh 2022 là việc tổ chức liên hoan phim. Trước đây liên hoan phim quốc tế chỉ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nay các liên hoan phim, tuần phim, cuộc thi, có thể do bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp tổ chức. Để "minh họa" cho sự cởi mở này, tới đây, dưới sự bảo trợ của UBND và sự phối hợp của các sở ban ngành thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I từ ngày 9-13/5/2023. Hiện nay nhiều nước hào hứng gửi phim về. Nhưng đơn vị tổ chức vẫn gặp khó khăn khi phim tham dự Liên hoan phim vẫn phải trình Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và cấp phép, tuy Luật Điện ảnh quy định việc thẩm định và cấp phép chiếu phim phân cấp cho các tỉnh, thành phố. Với khối lượng phim tham gia Liên hoan phim lớn mà việc tuyển chọn rồi trình thẩm định, cấp phép phim tham dự Liên hoan phim mất rất nhiều thời gian, nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Vì vậy, đơn vị tổ chức phải tính đến phương án cắt giảm lượng phim gửi về.
Về lĩnh vực phim hoạt hình, TS. Ngô Phương Lan cũng chia sẻ một số khó khăn khác như việc chúng ta chỉ có 1 Hãng phim Hoạt hình của Nhà nước thành lập năm 1959, năm 1960 ra phim đầu tiên. Hơn 60 năm qua, khi cuộc sống phát triển, các nền tảng xã hội ngày càng nhiều thì phim hoạt hình hằng năm đều do Nhà nước đặt hàng, khi tổ chức cuộc thi hầu hết là phim của 1 hãng thi đấu với nhau và giải thưởng chỉ thuộc về 1 hãng phim đó. Trong khi đó có đến mấy chục công ty tư nhân ở Việt Nam làm phim hoạt hình hoặc sản phẩm gia công liên quan đến phim hoạt hình, có những công ty lớn cả nghìn nhân công, sản phẩm bán cho thị trường nước (trên nền tảng) khá lớn, thậm chí có sản phẩm đến 3 tỷ lượt người xem, doanh thu lớn nhưng lại chưa được tính là "thành phần" của công nghiệp điện ảnh Việt. Những công ty đó cần được tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển.
"Hiện nay, phim hoạt hình Việt Nam đơn độc, chưa được kéo vào guồng quay chung của nền điện ảnh nước nhà. Chúng ta có nhân lực, có tiềm năng lớn, quan trọng là làm sao động viên, khích lệ, tạo điều kiện, khơi dậy và tập hợp được các lực lượng làm phim hoạt hình để cả hoạt hình của Nhà nước và tư nhân cùng phát triển", TS. Ngô Phương Lan nói.
Hiện nay trong Luật Điện ảnh năm 2022 không còn quy định nhà nhập phim nào muốn nhập phim phải có rạp như trước đây. Ở Hàn Quốc các công ty phát hành phim nội địa - mạnh nhất là CGV, Lotte - chiếm 90% thị trường; Thái Lan 80%, các nước khác như Malaysia, Indonesia không nước nào dưới 70%. Còn ở Việt Nam rạp nội địa chiếm khoảng 25% còn lại là Lotte hơn 20%, CGV hơn 40%... như vậy rạp nội địa của Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Các công ty có hệ thống rạp chiếm thị phần lớn sẽ áp đặt các hãng khác phải theo như mức giá, phim, áp đặt khung giờ chiếu… Sự chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim có vốn đầu tư nước ngoài tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.
TS. Ngô Phương Lan cho rằng cần rà soát, bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật liên quan cũng như các hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung.
Đồng thời tập trung tháo gỡ những vướng mà ngành điện ảnh đang gặp phải. Trong đó có vướng mắc về việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Theo TS. Ngô Phương Lan, Nhà nước có thể cấp vốn ban đầu, nhưng nguồn thu cho Quỹ đang là điểm nghẽn. Ta nên học tập kinh nghiệm của một số nước, ví dụ ở Hàn Quốc hay ở một số nước châu Âu họ xây dựng quỹ hỗ trợ điện ảnh từ việc trích % tiền vé xem phim, trích từ quảng cáo trên phim truyền hình…
Mấu chốt để phát triển điện ảnh là cần phải giải bài toán để phát triển cả ba dòng phim: Phim nhà nước đặt hàng với các tác phẩm xứng tầm và có khả năng ra rạp phục vụ khán giả; phim giải trí do tư nhân sản xuất khuyến khích với những phim lành mạnh, mang thông điệp tích cực về cuộc sống; phim nghệ thuật được ghi nhận tại các Liên hoan phim quốc tế do Quỹ điện ảnh hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó là thực hiện các chiến lược quảng bá, thu hút các hãng phim nước ngoài đầu tư, hợp tác sản xuất phim với Việt Nam. Trong thời gian tới, muốn điện ảnh Việt Nam có tác phẩm đạt tầm cỡ thế giới, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện những tài năng.
Diệp Anh
Bài 3: Đừng để tác phẩm điện ảnh chỉ để ‘cất kho’