Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ Công Thương, thực trạng phát triển nền nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, miền trên cả nước. Vấn đề nông sản được mùa, rớt giá vẫn diễn ra thường xuyên. Do đó, việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho logistics...) là một trong những giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa, tạo điều kiện để khu vực kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, nâng cao thu nhập của người dân.
Để phát triển hệ thống thương mại đồng bộ cho nông sản, Bộ Công Thương xác định, trước hết cần tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải…) và các địa phương triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch về phát triển hạ tầng thương mại đã được phê duyệt, trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ, trung tâm logistics. Đồng thời tiến hành rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội chung;
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại; phối hợp với các bộ ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…) hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại;
Thứ ba, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trong điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản như: các chợ đầu mối cấp vùng tại 3 miền bắc trung nam nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với giá hợp lý đảm bảo lợi ích cho các chủ thể tham gia giao dịch; các trung tâm logistics, nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản;
Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia gồm xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo như: Tập trung xúc tiến thương mại với những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng, có sự đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam; đối với xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản, tổ chức hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền, các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản Việt Nam trên các phương tiện truyền thông…
Thứ năm, tiếp tục đổi mới cơ chế gắn kết giữa các nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua việc tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6/q/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm hình thành và phát triển theo hướng bền vững các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, vùng sản xuất hàng nông sản chất lượng cao, nhằm phát huy thế mạnh của các địa phương; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã với người sản xuất, lợi ích của các chủ thể tham gia mô hình thí điểm được bảo đảm, giúp người nông dân mua vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản với giá ổn định.
Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư
Để đảm bảo việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản, trong đó có sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiến hành rà soát điều chỉnh các quy hoạch liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung cho phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng, của địa phương.
Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại cho đồng bộ, cụ thể: Bổ sung vào Danh mục ưu đãi đầu tư tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP đối với hình thức đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại địa bàn thành thị. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các loại hình bán lẻ khác có triển vọng phát triển (cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa tổng hợp…) vào Danh mục nêu trên.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng không quy định cứng các chợ được đầu tư từ ngân sách nhà nước để tạo điều kiện cho công tác đầu tư phát triển chợ, tạo sự đồng bộ trong việc triển khai các văn bản có liên quan.
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng chợ. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với hệ thống chợ tại các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân ở vùng nông thôn miền núi của nhiều địa phương còn nghèo, thu nhập và sức mua không cao nên khó huy động vốn đầu tư cũng như xã hội hóa đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại. Đối với các chợ đầu mối nông, lâm, thủy sản và nguyên phụ liệu tại những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cần tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) để đầu tư phát triển cho tương xứng.
Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ưu tiên phân bổ ngân sách
Đối với các địa phương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện hành do Trung ương ban hành, UBND các tỉnh cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; nhất là trên địa bàn nông thôn.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cần xem xét ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí ngân sách hàng năm cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại, đặc biệt là hạ tầng chợ truyền thống nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tiếp tục củng cố, nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, kết hợp với từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Tập trung rà soát và có kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo lộ trình đã đặt ra.
Đồng thời, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó chú trọng phát triển chợ nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 8/12/2016 về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020./.