Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hà Giang là "câu chuyện" truyền cảm hứng đối với những người làm quy hoạch
Nhận định tỉnh Hà Giang còn nhiều khó khăn như quy mô kinh tế nhỏ, nguồn lực về tài chính, đất đai, địa hình, nhân lực, dân trí rất hạn chế, chưa phát huy được lợi thế cửa khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng công tác lập quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng, để tỉnh đánh giá, sắp xếp lại không gian phát triển.
"Phát triển địa phương có nhiều thách thức, mọi yếu tố ở mức sơ khai là câu chuyện lý thú và cảm hứng đối với những người làm quy hoạch", Bộ trưởng chia sẻ.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc, thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030. Từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang. Quy hoạch xác định một số nội dung trọng tâm, nổi bật:
Thứ nhất, Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, trên cơ sở phát huy nội lực của Tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; chuyển dịch mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo lợi thế so sánh cũng như việc tận dụng tối đa công nghệ số để tiếp cận, kết nối giữa các thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ hai, ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; ngành công nghiệp-xây dựng; các ngành dịch vụ; ngành giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại.
Thứ ba, Quy hoạch đưa ra 4 cực phát triển, tăng trưởng (TP. Hà giang và huyện Vị Xuyên-phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; Cao nguyên đá Đồng Văn-phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình-phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần-phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch).
Ngoài ra, 4 trục động lực tăng trưởng của địa phương gồm: Kinh tế đô thị (cấp tỉnh)-thương mại, dịch vụ-cửa khẩu quốc tế-du lịch; kinh tế biên mậu-du lịch-đô thị (cấp huyện); kKinh tế đô thị-dịch vụ-công nghiệp; kinh tế du lịch-dịch vụ.
Thứ tư, Quy hoạch đặt mục tiêu áp dụng công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu cho quy hoạch tỉnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch thể hiện quyết tâm, khát vọng phát triển và qua đó, chúng ta thấy rõ được quan điểm và triết lý phát triển đối với Hà Giang.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý 4 nhiệm vụ cốt lõi đối với Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía bắc nói chung, đó là: Giữ đất, giữ rừng, giữ dân (ổn định chính trị, nâng cao đời sống làm) và giữ được giá trị văn hoá.
Ba đột phá và đề xuất đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch
Báo cáo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết địa phương tập trung vào 3 khâu đột phá, chiến lược.
Trước tiên là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, quy mô quy hoạch 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai với Hà Giang (CT.12, đến địa phận huyện Bắc Quang), quy mô quy hoạch 4 làn xe.
Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo tỉnh đề xuất đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch. Đánh giá sân bay có ý nghĩa hết sức quan trọng cho thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, Bí thư Đặng Quốc Khánh cho biết căn cứ làm sân bay dự trên việc tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, nơi chuẩn bị có tuyến cao tốc qua, khoảng gần 500 ha diện tích đất đã sẵn có. Đơn vị tư vấn đã nghiên cứu và cho ý kiến rằng máy bay Airbus 320, 321 có thể hạ cánh tại nơi này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang–Hà Giang–Thanh Thuỷ sẽ có vai trò để nối ra cửa khẩu, phục vụ cho kinh tế biên mậu và giao thương hàng hoá, giúp khai thác những lợi thế và tiềm năng mà trước nay vẫn chưa được tận dụng hiệu quả.
"Nếu làm sân bay, cao tốc thì cần lật ngược vấn đề là phải bắt đầu từ đầu, không phải dựa trên những thứ đã có mà phải tạo ra cái mới để tạo động lực mới, chủ động nhìn từ nhiều phía mới tạo nên đột phá", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng xác định đột phát thứ hai chính là phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đột phá thứ ba là tạo sinh kế cho người dân. Lồng ghép từ các chương trình mục tiêu phát triển của Trung ương, các kế hoạch của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ chiến lược tiếp theo của tỉnh là ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là tiền đề quan trọng để Hà Giang hội nhập, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tại Hội nghị thẩm định, Hội đồng đã cho ý kiến tham gia và trên cơ sở đó UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Cơ quan lập quy hoạch tỉnh tập trung nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2003, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2003, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang, đảm bảo nhanh và bền vững./.
Minh Ngọc