• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giai đoạn Nhân sinh: Xuất hiện những hồ đầm Hà Nội

(Chinhphu.vn) - Khoảng 2.500 năm trước, vùng đất Hà Nội có thể không còn chịu tác động trực tiếp của biển nữa và sự thay đổi của sông Hồng có chăng chỉ là sự uốn khúc, dịch chuyển dòng chảy chính theo chiều ngang, hoặc để lại các đoạn sông chết dần dần biến thành hồ.

01/04/2010 11:28

>> Hà Nội 65 triệu năm trước

>> Giai đoạn Đệ tam: 4 lần "bãi bể nương dâu"

Đồng bằng Hà Nội từ 9.000 năm trước đến nay (Tanabe và đồng nghiệp, 2003) - Ảnh: Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long

Giai đoạn Đệ tứ là khoảng thời gian cuối cùng của lịch sử địa chất và tiếp diễn cho đến nay, còn được gọi là kỷ Đệ tứ hay kỷ Nhân sinh.

Có thể thấy các điều kiện tự nhiên, đặc biệt là nền vật chất và địa hình của vùng đất Hà Nội ngày nay chủ yếu được hình thành trong kỷ Đệ tứ, trừ khu vực Sóc Sơn. Nhìn chung, vào kỷ Đệ tứ, vùng đất Hà Nội nói riêng và toàn bộ đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung đã được tạo dựng qua các lần biển tiến và biển lùi xen kẽ nhau trong mối tác động qua lại với hoạt động nâng lên hay hạ xuống của khu vực.

Vì vậy, trong khoảng thời gian ấy, vùng đất Hà Nội được hình thành khi thì quá trình biển chiếm ưu thế, khi thì quá trình lục địa chiếm ưu thế. Dấu ấn của chúng được ghi lại bằng các tầng đất (để gọi chung cho các trầm tích có thành phần từ cuội, sạn sỏi đến bùn sét) khác nhau và được phân chia như sau: thời kỳ Pleistocen (trong Khảo cổ học, được gọi là thời kỳ Cánh tân) và thời kỳ Holocen (trong Khảo cổ học, được gọi là thời kỳ Toàn tân) và được bắt đầu từ 1,6 triệu năm trước cho đến nay. Tiếp đó lại được phân chia chi tiết thành các phụ thống hạ, trung, thượng với các khoảng thời gian như sau:

- Pleistocen hạ (Q11) từ 1,6 đến 0,7 triệu năm trước (kéo dài 0,8 triệu năm)

- Pleistocen trung (Q12) từ 0,7 đến 0,3 triệu năm trước (kéo dài 0,4 triệu năm)

- Pleistocen thượng (Q13) từ 0,3 đến 0,01 triệu năm trước (kéo dài 0,29 triệu năm)

- Holocen hạ (Q21) từ 10.000 đến 6.000 năm trước (kéo dài 4.000 năm)

- Holocen trung (Q22) từ 6.000 đến 3.000 năm trước (kéo dài 3.000 năm)

- Holocen thượng (Q23) từ 3.000 năm trước đến nay.

1. Đặc điểm trầm tích

Theo các kết quả nghiên cứu địa chất gần đây, trong giai đọan Đệ tứ ở khu vực Hà Nội nói riêng và vùng châu thổ sông Hồng nói chung đã xảy ra 5 chu kỳ lắng đọng trầm tích.

a) Chu kỳ thứ nhất xảy ra vào Pleistocen sớm cách ngày nay từ 1,6 đến 0,7 triệu năm. Đây là tầng trầm tích đầu tiên của giai đoạn Đệ tứ và là cơ sở đầu tiên của đồng bằng châu thổ Sông Hồng hiện đại. Thành phần trầm tích là cuội, sạn sỏi, cát thô đa khoáng, càng chuyển lên trên, kích thước hạt trầm tích càng nhỏ dần cho đến sét, bột-sét. Điều đó cho thấy có sự thay đổi môi trường tích tụ trầm tích trong thời gian này: từ môi trường lục địa chuyển dần sang môi trường biển ven bờ. Bề dày của tầng trầm tích này thay đổi từ 8-10 mét đến 35-40 mét và gặp ở độ sâu trong khoảng từ 70-80 mét đến 140 mét hoặc hơn nữa. Trầm tích này được đặt tên là Hệ tầng Lệ Chi, tuổi Pleistocen sớm (Q11 lc).

b) Chu kỳ tích tụ trầm tích thứ 2 xảy ra vào Pleistocen giữa-muộn. Các trầm tích trong thời gian này cũng có sự phân tập khá rõ: cũng được bắt đầu ở dưới cùng là hạt thô (sạn, sỏi, cát thô) chuyển lên trên là hạt mịn hơn (cát-bột, bột-sét). Về mặt nguồn gốc trầm tích, có thể chia ra 2 loại là: trầm tích sông và trầm tích đồng bằng châu thổ (có sự kết hợp giữa sông và biển). Các trầm tích này được đặt tên là Hệ tầng Hà Nội, tuổi Pleistocen giữa-muộn (Q12-3 hn). Thời gian của chu kỳ này kéo dài khoảng 0,575 triệu năm (từ 0,7 đến 0,125 triệu năm trước). Bề dày của hệ tầng này thay đổi từ 5-10 mét đến 30-40 mét. ở khu vực Hà Nội chỉ gặp được trong lỗ khoan (ở độ sâu từ vài chục mét đến 60-70 mét), còn ở phần ven rìa (như khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây) chúng được phát lộ ra ngay trên bề mặt địa hình hiện tại. Đây là tầng trầm tích chứa nước ngầm khá phong phú với chất lượng tốt và là tầng nước ngầm khai thác công nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

c) Chu kỳ tích tụ trầm tích thứ 3 xảy ra vào thời gian Pleistocen muộn. Cũng như hệ tầng Hà Nội, trầm tích trong thời gian này có 2 kiểu nguồn gốc: nguồn gốc sông và châu thổ. Trong phạm vi lãnh thổ Hà Nội, các trầm tích sông lộ ra trên mặt ở khu vực Đông Anh và Sóc Sơn. Đó là các trầm tích cát lẫn ít sạn, sỏi ở phần dưới thuộc tướng lòng sông, chuyển lên trên là cát-bột, bột-sét thuộc tướng bãi bồi màu vàng đỏ hoặc nâu vàng, trên cùng là sét màu xám thuộc tướng vũng vịnh. Các trầm tích trong thời gian này được đặt tên là Hệ tầng Vĩnh Phúc, tuổi Pleistocen muộn (Q13 vp). Tại khu vực Thanh Trì, các trầm tích này nằm ở độ sâu khoảng vài chục mét, còn ở Từ Liêm, Cầu Giấy, Gia Lâm gặp ở độ sâu chỉ vài mét. Thời gian của chu kỳ đó kéo dài khoảng 100.000 năm (từ 125.000 đến 18.000 năm trước).

d) Chu kỳ tích tụ trầm tích thứ 4 xảy ra vào thời gian cuối Pleistocen đầu Holocen. Trong thời gian ấy, trầm tích khá đa dạng về nguồn gốc bao gồm cả nguồn gốc sông (alluvi), nguồn gốc biển và nguồn gốc biển-đầm lầy ven biển và vũng vịnh. Các trầm tích biển chủ yếu là sét, sét bột màu xám xanh được tích tụ trong môi trường vũng vịnh có nhiều di tích trùng lỗ. Kích thước hạt trầm tích cũng giảm dần từ dưới lên trên: dưới cùng là trầm tích hạt thô (cát) nguồn gốc sông (alluvi), chuyển lên trên là trầm tích hạt mịn hơn (chủ yếu là sét) nguồn gốc vũng vịnh biển. Trong phạm vi lãnh thổ Hà Nội, các trầm tích này phân bố không liên tục, chỉ gặp rải rác ở một vài nơi trước đây là vùng trũng (đó chính là các mảng trũng xâm thực cắt vào các thành tạo trầm tích trước đó, như trầm tích Hệ tầng Vĩnh Phúc), như ở Đông Anh, Từ Liêm. Còn trầm tích nguồn gốc biển-đầm lầy phân bố có phần hạn chế hơn. Chúng cũng chỉ tạo nên các thấu kính nhỏ và phủ trực tiếp bên trên trầm tích biển vừa nêu. Các thấu kính trầm tích này đã chuyển sang dạng than bùn, nhưng trữ lượng không lớn. Các trầm tích chủ yếu là sét xám xanh và than bùn tướng  vũng vịnh và đầm lầy ven biển. Trầm tích của chu kỳ này được đặt tên là Hệ tầng Hải Hưng có tuổi Holocen sớm-giữa (Q21-2 hh) có tuổi từ 10.000 đến 4.000 - 3.500 năm trước. Bề dày trầm tích của hệ tầng dao động trong khoảng từ 2-5 mét đến 15-20 mét. Tại khu vực Hà Nội, lộ ra trên mặt chủ yếu là trầm tích nguồn gốc sông. Còn trầm tích nguồn gốc biển và biển-đầm lầy chỉ gặp trong các lỗ khoan hoặc những nơi lấy đất làm gạch ngói (như ở xã Ngọc Chi, huyện Đông Anh).

e) Chu kỳ tích tụ trầm tích thứ 5 xảy ra vào thời gian Holocen muộn, sau khi kết thúc đợt biển tiến cực đại Flandrian. Các trầm tích của chu kỳ này được bắt đầu cách ngày nay khoảng 3.500 năm và vẫn đang tiếp tục. Các trầm tích của chu kỳ đó có nguồn gốc sông hồ thuộc Hệ tầng Thái Bình (aQ23tb). Có thể nói đây là chu kỳ tích tụ trầm tích đang còn tiếp tục, tạo ra bộ mặt địa hình của thành phố Hà Nội hiện nay.

Thực chất, vùng đất Hà Nội đã được định hình từ cuối chu kỳ thứ tư. Do đó có thể nói, chu kỳ này là quá trình tiếp tục bồi đắp phù sa, tạo nên diện mạo ngày nay. Quá trình ấy đã để lại nhiều dấu vết cảnh quan môi trường như hiện tại. Đặc biệt trên địa bàn Hà Nội, từ khi có công trình đắp đê ven các sông (sông Hồng và sông Đuống) khoảng 700 trăm năm trước đây thì các diện tích trong đê hầu như đoạn tuyệt với quá trình lắng đọng trầm tích (trừ những diện tích nhỏ bị phủ thêm bởi các đợt vỡ đê), nên có hiện tượng bề mặt lòng Sông Hồng ngày càng nâng cao, nhiều chỗ còn cao hơn bề mặt ruộng đồng ở trong đê.

Vùng đất Hà Nội có nhiều hồ và đầm lầy từ giai đoạn Nhân sinh

2. Khoáng sản

Khác với các địa phương khác, có thể nói rằng Hà Nội nghèo khoáng sản. Sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay đã xác định được một số loại khoáng sản nguồn gốc ngoại sinh có trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Loại khoáng sản có thể nói phong phú nhất chính là nước ngầm. Theo Trần Nghi và đồng nghiệp (2004), trong phạm vị đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung và vùng Hà Nội nói riêng có 2 tầng chứa nước. Đó là tầng chứa nước Holocen và tầng chứa nước Pleistocen.

Tầng chứa nước Holocen nằm rất nông và tăng dần về phía trung tâm của trũng địa hào Hà Nội (trục sụt lún có phương Tây Bắc-Đông Nam, nhìn chung là dọc theo sông Hồng hiện nay). Bề dày của tầng nước thay đổi từ 2 mét (vào mùa khô) đến 4 mét (vào mùa mưa). Lưu lượng thấp (chỉ đạt 2-3 lít/giây). Điều đó cho thấy rằng, động thái của tầng nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước mặt. Tầng chứa nước Pleistocen có sự phân bố khá rộng rãi. Tầng nước này được chứa trong nhiều loại trầm tích có thành phần và nguồn gốc khác nhau, như: cuội, sạn sỏi, cát thô nguồn gốc sông miền núi của Hệ tầng Lệ Chi; cuội, sỏi, cát nguồn gốc sông-lũ của Hệ tầng Hà Nội; cát, sỏi nguồn gốc sông đồng bằng của Hệ tầng Vĩnh Phúc. Lưu lượng của tầng này đạt giá trị khá cao: 2-9 lít/giây đối với trầm tích Hệ tầng Vĩnh Phúc và 16-51 lít/giây đối với trầm tích Hệ tầng Lệ Chi và Hà Nội.

- Sét gạch ngói trong trầm tích sông thuộc Hệ tầng Vĩnh Phúc, tuổi Pleistocen muộn, có rải rác ở nhiều nơi thuộc huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Sét gạch ngói trong trầm tích tuổi Holocen muộn thuộc Hệ tầng Thái Bình tạo thành mỏ vừa ở Thạch Bàn (huyện Gia Lâm) và điểm quặng sét gạch ngói ở Cầu Đuống.

- Điểm sét gốm trong trầm tích sông tuổi Holocen muộn, hệ tầng Thái Bình ở Nội Bài.

- Sét dung làm dung dịch khoan trong trầm tích tuổi Holocen sớm - giữa, Hệ tầng Hải Hưng tạo thành mỏ vừa ở Đống Đa.                       

- Cát xây dựng trong trầm tích sông tuổi Holocen muộn, Hệ tầng Vĩnh Phúc tạo mỏ cát ở cầu Phủ Lỗ; trong trầm tích Holocen muộn, Hệ tầng Thái Bình tạo thành mỏ vừa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Cát san lấp có nhiều điểm ở các doi cát ngoài sông Hồng.

Loại khoáng sản thứ 2 là cát, sạn, sỏi, sét được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau. Hầu hết các nguồn vật liệu này đều khai thác lộ thiên. Đến nay đã phát hiện được một số mỏ và điểm quặng ở Hà Nội.

Loại khoáng sản nhiều thứ 3 của Hà Nội là than bùn. Trong phạm vi Hà Nội có một số điểm than bùn phân bố ở Đông Anh, Giảng Võ, Cầu Bươu, Gia Lâm, v.v... Than bùn ở Hà Nội được tạo thành trong thời kỳ Holocen sớm – giữa, thuộc phần thấp của Hệ tầng Hải Hưng. Trong các thân than bùn còn gặp các thân, cành, lá của thực vật còn khá nguyên vẹn.

Qua đó thấy rằng, thực tế Thành phố Hà Nội là một lãnh thổ nghèo tài nguyên khoáng sản. Chỉ có nước ngầm là có thể đảm bảo nhu cầu được cho sinh hoạt, nhưng nếu dân số tăng quá tải thì vấn đề cung cấp nước ở thành phố cũng sẽ trở nên khó khăn. Than nâu vẫn còn trong trạng thái tiềm năng. Song cũng có thể khẳng định rằng không nên khai thác. Bởi vì nó nằm sâu trong lòng đất Hà Nội, trong khi trên mặt đã có rất nhiều công trình lịch sử-văn hoá và kinh tế của thành phố. Nguồn vật liệu xây dựng khá đồi dào, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của thành phố trong quá trình đô thị hoá. Do vậy, phải được vận chuyển về từ các tỉnh lân cận.

Lớp than bùn ở xã Mễ Trì - Từ Liêm thuộc hệ tầng Thái Bình - Ảnh: Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long

3. Tiến hóa địa mạo trong giai đoạn Đệ tứ

Có thể nói rằng, các quá trình địa mạo hoạt động trong giai đoạn Đệ tứ đã tạo nên bộ mặt địa hình vùng Hà Nội hiện nay. Song do khối lượng cũng như chất lượng của các nguồn tài liệu hiện có, có thể chia tiến hoá địa mạo vùng Hà Nội hiện nay thành 2 thời kỳ: 1) từ đầu Đệ tứ đến cuối Pleistocen 2) thời kỳ từ sát trước Holocen đến nay.

a) Thời kỳ từ đầu Đệ tứ đến cuối Pleistocen

Đây là thời kỳ tương ứng với 3 chu kỳ lắng đọng trầm tích để thành tạo nên Hệ tầng Lệ Chi (Q11lc), Hệ tầng Hà Nội (Q12-3hn) và Hệ tầng Vĩnh Phúc (Q13vp). Vào thời kỳ này, trong khi ở vùng trũng bị sụt lún để xảy ra quá trình tích tụ trầm tích, thì ở vùng xung quanh, trong đó có cả vùng đồi núi huyện Sóc Sơn lại được nâng lên và xảy ra quá trình bóc mòn để hạ thấp và san phẳng tính lồi lõm của địa hình. Quá trình bóc mòn trên vùng đồi núi này tiếp tục xảy ra cho đến hiện nay. Kết quả là, sau thời gian bóc mòn lâu dài các quả đồi hay ngọn núi ở huyện Sóc Sơn đã bị gọt rũa trở nên thoải và mềm mại hơn. Quá trình ấy đã xảy ra từ khoảng trên 1 triệu năm trước và hiện đang tiếp diễn có thể với cường độ mạnh hơn do có tác động của con người.

Trong khi quá trình bóc mòn liên tục diễn ra ở khu vực huyện Sóc Sơn, thì ở các khu vực còn lại của Hà Nội, 2 quá trình địa mạo: bóc mòn và tích tụ lại xảy ra có sự xen kẽ nhau. Xen kẽ 3 chu kỳ tích tụ trầm tích nêu trên là 3 thời kỳ bóc mòn:1) cuối Pleistocen hạ đến đầu Pleistocen thượng và 2) giữa Pleistocen thượng và 3) cuối Pleistocen thượng và sát trước Holocen. Song, có lẽ các thời kỳ bóc mòn này không kéo dài. Chẳng hạn, một trong những thời kỳ bóc mòn đó xảy ra từ cuối Pleistocen muộn đến nay (sau khi hoàn thành chu kỳ tích tụ trầm tích của Hệ tầng Vĩnh Phúc) phân bố ở Đông Anh và Sóc Sơn. Trong phạm vị vùng Hà Nội, các bề mặt địa hình này đều bị các lớp trầm tích trẻ hơn phủ lên

b) Thời kỳ từ sát trước Holocen đến nay

Theo các kết quả nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam, mực nước biển thấp nhất xảy ra vào khoảng thời gian 20.000 - 18.000 năm trước ở độ sâu từ 90 - 130 mét so với hiện nay. Lúc đó, không chỉ châu thổ sông Hồng, mà cả đáy Vịnh Bắc Bộ cũng là vùng đồng bằng ven biển rộng lớn. Quá trình bóc mòn do nước chảy trên mặt (cả dòng chảy thường xuyên lẫn dòng chảy tạm thời) đã chia cắt bề mặt trầm tích của Hệ tầng Vĩnh Phúc chiếm ưu thế để tạo ra các hệ thống dòng chảy, cũng như tiếp tục san phẳng và hạ thấp địa hình ở các vùng đồi núi bao quanh đồng bằng. sông Cà Lồ chính là sản phẩm được đào sâu thêm làm cho nó có trắc diện ngang dạng chữ U do hoạt động của dòng chảy khi lục địa ở đây được nâng lên tương đối. Còn vùng đất kẹp giữa sông Hồng và sông Cà Lồ có thể là một bar cửa sông (cồn chắn trước cửa sông) tương tự như Cồn Đen và Cồn Vành ở trước cửa sông Trà Lý và cửa Ba Lạt hiện nay. Trong khoảng thời gian này, ở miền Bắc Việt Nam cũng có điều kiện khí hậu nóng ẩm gần giống như hiện nay. Đó là điều kiện thuận lợi cho quá trình phong hóa hóa học xảy ra để từ đó tạo nên kiểu vỏ phong hóa laterit (đá ong) rất điển hình cho vùng trung du Bắc Bộ nói chung và Hà Nội nói riêng (chủ yếu ở 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn). Vào cuối Pleistocen muộn, khí hậu nóng ấm dần lên, băng hà ở hai cực Trái đất tan dần và dẫn đến biển tiến. Một chu kỳ tích tụ trầm tích mới lại bắt đầu.

Quá trình hình thành trầm tích trong chu kỳ này diễn ra như sau: Cuối Pleistocen muộn (khoảng 18.000 -17.000 năm trước), lúc đó mực nước biển thấp hơn hiện nay khoảng 90-130 mét và đồng bằng lục địa còn trải rộng đến tận đảo Hải Nam. Bề mặt trầm tích bị phơi ra và xảy ra quá trình phong hóa, bóc mòn, tạo cho bề mặt trầm tích có màu sắc loang lổ.

Hầu hết các nhà khoa học trên Thế giới đều thống nhất rằng, từ 18.000 -17.000 năm đến khoảng 6.000 năm trước, mực nước biển tăng lên với tốc độ tương đối nhanh và đạt được các mức sau: Khoảng 15.000 năm trước là -80 mét; 10.000 năm trước là -30 mét; 8.000 năm trước là -20 mét. Còn từ 6.000 năm đến nay thì mực nước biển tiếp tục tăng chậm để đạt được vị trí như hiện nay. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu tiến hóa trầm tích và địa mạo trong Holocen gần đây được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản (Haruyama và đồng nghiệp, 2001; Hori và đồng nghiệp, 2003; v.v...).

Vào Holocen giữa, theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, mực nước biển dâng lên đến vị trí cao nhất của biển tiến sau băng hà lần cuối, còn gọi là biển tiến Flandrian, đạt tới 4-5 mét so với mực nước biển hiện tại. Lúc bấy giờ biển tiến vào đến tận một vài vùng thấp ở Đông Anh và các vùng lân cận, biến vùng đất Hà Nội ngày nay thành một vịnh có liên quan rộng rãi với biển ở phía ngoài. Sau đó nước biển hạ thấp hơn hiện nay một chút (ở khoảng độ sâu vài mét so với bây giờ) vào khoảng 3.000 năm trước đây. Đến khoảng 2.000-2.300 (2.500) năm mực nước lại dâng lên đến vị trí độ cao khoảng 1,5-2,0m (3,0) so với mực nước hiện nay. Tuy nhiên, lần này biển chỉ lấn vào một số vùng cửa sông lớn ở ven bờ biển, chứ không lan rộng như trước đây. Sau đó, mực nước biển lại hạ thấp dần cho đến vị trí hiện nay.

Qua đặc điểm về nguồn gốc và tuổi các trầm tích của 3 lỗ khoan nêu trên cũng như các tài liệu khác, có thể chia quá trình tiến hoá địa mạo của vùng Hà Nội nói riêng và đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung thành các thời kỳ nhỏ hơn như sau:

b1) Cuối Pleistocen đến sát trước Holocen

Vào cuối Pleistocen và đầu Holocen (khoảng 10.000-11.000 năm trước), toàn bộ đồng bằng châu thổ Sông Hồng hiện nay, trong đó có cả vùng đất Hà Nội là một đồng bằng alluvi rộng lớn. Điều này phù hợp với nhiều tài liệu đã được công bố trên Thế giới và có quan hệ chặt chẽ thời với kỳ băng hà cực đại cuối cùng. Điều đó cho thấy không chỉ toàn bộ vùng đất Hà Nội hiện nay, mà còn cả các vùng lân cận được phát triển trong điều kiện lục địa. ở khu vực huyện Sóc Sơn vẫn là quá trình bóc mòn chiếm ưu thế dưới tác động của cả dòng chảy tạm thời lẫn dòng chảy thường xuyên. Các phần đất còn lại của vùng Hà Nội và phần lớn đồng bằng sông Hồng được hình thành và phát triển do hoạt động xâm thực và tích tụ của hệ thống sông Hồng, tạo ra cảnh quan đồng bằng – gò thoải như hiện nay còn gặp ở Đông Anh.

b2) Holocen sớm-giữa

Đây là giai đoạn đồng bằng châu thổ sông Hồng được phát triển trong điều kiện biển tiến. Vào đầu Holocen, mực nước biển vẫn tiếp tục tăng lên và lấn sâu dần vào lục địa. Phần rìa của đồng bằng châu thổ Sông Hồng bị nước biển tràn ngập. Các quá trình địa mạo dòng chảy được thay thế dần bởi các quá trình địa mạo ven bờ biển và cửa sông. Nếu lấy vị trí mực nước đầu Holocen là 45 mét so với mực nước biển hiện nay (theo các giá trị tại 3 lỗ khoan đã nêu), thì tốc độ dâng lên của mực nước biển trong khoảng thời gian này khoảng 4,0-4,5 mm/năm. Trong khi đó, theo nhiều nguồn tài liệu khác nhau, thì giá trị dâng lên của mực nước biển trong khoảng từ 18.000 đến 6.000 năm trước đạt xấp xỉ 1m/100 năm (hoặc 10mm/năm). Trong thời kỳ này, đồng bằng châu thổ sông Hồng được phát triển trong môi trường vùng biển ven bờ, cửa sông và châu thổ. Sau khi đạt tới mức cực đại của biển tiến (khoảng 4-5 mét so với mực nước biển hiện nay và khoảng 7.000 đến 6.000 năm trước) mực nước biển tương đối ổn định trong khoảng thời gian khá dài để tạo nên tầng trầm tích vũng vịnh biển ven bờ có bề dày thay đổi từ 0 mét đến vài chục mét theo hướng giảm dần từ đường bờ biển hiện đại đến vùng Đông Anh-Từ Liêm (khu vực xung quanh cầu Thăng Long). Các trầm tích trong giai đoạn này chủ yếu là vật liệu hạt mịn, có màu xám, xám xanh đến xám đen được thành tạo trong điều kiện động lực không mạnh và có nguồn vật liệu cung cấp từ lục địa khá phong phú. Bởi thế, tốc độ tích tụ trầm tích trong giai đoạn đó cũng khá lớn. Đây chính là giai đoạn phát triển đồng bằng châu thổ theo cơ chế lấp đầy (aggradational delta). Cũng vì thế, trầm tích trong giai đoạn trên có sự phân bố rất phức tạp, chuyển tướng rất nhanh chóng theo cả chiều thời gian lẫn chiều không gian. Sự thay đổi môi trường trầm tích đa dạng như vậy được thể hiện rất rõ nét ở thành phần và số lượng các loài bào tử và phấn hoa rừng ngập mặn, đặc biệt là cây đước (Rhizophora sp).

b3) Holocen muộn

Giai đoạn Holocen muộn được bắt đầu từ khoảng 3500 năm trước cho đến nay. Lúc này phần lớn đồng bằng châu thổ sông Hồng được phát triển trong điều kiện biển lùi. Các trầm tích được hình thành trong thời kỳ ấy được đặt tên là Hệ tầng Thái Bình. Nguồn gốc của nó ở vùng Hà Nội là sông-hồ. Trong quá trình biển lùi, cũng chính là lúc bề mặt đồng bằng châu thổ Sông Hồng hiện nay dần dần được lộ ra. Lúc này, ngoài lượng vật liệu trầm tích do mài mòn bờ, đưa ra từ lục địa do các dòng sông, còn có cả sự di chuyển dọc bờ của bồi tích, chủ yếu theo hướng Đông Bắc-Tây Nam. Biển lùi đến đâu, thì các sản phẩm tích tụ do sông Hồng mang ra cũng kéo dài về phía biển đến đấy. Khoảng 2500 năm trước (tương đương với giai đoạn văn hóa Đông Sơn) vùng đất Hà Nội có thể không còn chịu tác động trực tiếp của biển nữa và hoạt động của sông Hồng đã có dạng cơ bản như ngày nay. Những thay đổi có chăng chỉ là sự uốn khúc, dịch chuyển dòng chảy chính theo chiều ngang, hoặc để lại các đoạn sông chết dần dần biến thành hồ. Đó là nguyên nhân vì sao lúc này, vùng đất Hà Nội có nhiều hồ và đầm lầy. Lúc bấy giờ, biển vẫn còn ảnh hưởng ở rìa Đông-Nam của đồng bằng.

Đồng bằng châu thổ do vai trò của sông chiếm ưu thế. Bộ phận này chiếm diện tích lớn nhất và được phân bố ở phần trên của nó bao gồm vùng đồng bằng nằm dọc hai bên bờ các Sông Đáy, Sông Hồng, Sông Đuống. Đặc điểm nổi bật nhất ở đây là sự tồn tại nhiều dấu vết của lòng sông đã bị vùi lấp hoặc không còn hoạt động hay chỉ hoạt động theo mùa trong năm do tác động của cả các nhân tố tự nhiên lẫn nhân sinh. Các dấu tích này quan sát được khá rõ cả ngoài thực địa cũng như trên các ảnh vệ tinh, và thực tế, nó chỉ được phân bố trong phạm vi của đai uốn khúc. Một số dòng sông, như Sông Đáy, bị chết chỉ trong khoảng thời gian gần đây. Trong sách "Sử học bị khảo" được viết từ cuối thế kỷ XIX, Đặng Xuân Bảng đã mô tả khá cụ thể đường thuỷ đi từ cửa sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Tây), tức sông Đáy ra đến biển

* Tiêu đề do Tòa soạn đặt

(Theo Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long)

Phần tiếp theo: Sông Hồng từ thời Âu Lạc: Những biến thiên lịch sử