• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giải ngân đầu tư công: Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

(Chinhphu.vn) - Có những địa phương giải ngân rất tốt nhưng cũng có những địa phương gần như không làm được gì. Điều này chứng tỏ vấn đề nằm ở phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện và vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần sự vào cuộc đồng bộ, nếu chỉ giao phó cho một vài cán bộ phụ trách công tác giải phóng mặt bằng mà không có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt thì không thể hoàn thành được.

20/05/2025 16:09

Sáng 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025; với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thống kê những bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm để đánh giá lại cán bộ; những bộ, ngành nào làm tốt thì khen thưởng, bộ, ngành nào làm không tốt thì phải xử lý. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu, "bắt đúng mạch, đúng bệnh" để có giải pháp phù hợp; có các nguyên tắc, công cụ đo lường thường xuyên để đôn đốc, nhắc nhở, phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Giải ngân đầu tư công: Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Xây dựng: Vấn đề nằm ở cách thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, năm 2025, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông được giao tổng vốn kế hoạch năm khoảng 145.837,1 tỷ đồng, chiếm 17,7% kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (825.922,3 tỷ đồng).

Theo số liệu theo dõi của Bộ Tài chính, tới hết tháng 4/2025 các dự án giao thông quan trọng, trọng điểm giải ngân được 14.361,4 tỷ đồng, đạt 9,8% kế hoạch cả năm. Trong đó, các dự án do Bộ Xây dựng chủ quản giải ngân khoảng 6.338,1 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch. Các dự án do địa phương, đơn vị khác chủ quản giải ngân khoảng 8.023,3 tỷ đồng, đạt 8,1% kế hoạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu tình trạng một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, các dự án như: đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh kết nối Long An, đường cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc (Lâm Đồng), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), đường Vành đai 4 Hà Nội (có đoạn Xuân La - Hoàng Đình) đều đã chuẩn bị đầu tư từ cuối nhiệm kỳ trước, nhưng đến nay khi nhiệm kỳ hiện tại đã gần kết thúc, thủ tục đầu tư vẫn chưa hoàn thành.

"Tôi xin nhấn mạnh, đối với dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, không có Hội nghị nào tôi không phát biểu ý kiến, bởi lẽ Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng báo cáo về chủ trương đầu tư trước Quốc hội. Chúng tôi cũng đã có ý kiến gửi các cơ quan liên quan để kiến nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh có dự án có ý kiến tại Quốc hội, nhằm thúc đẩy sớm có báo cáo thẩm định. Tuy nhiên, đến nay Hội đồng thẩm định vẫn chưa sẵn sàng. Tôi không rõ nguyên nhân vướng mắc này là do địa phương hay do cấp trung ương. Do đó, tôi đề nghị các địa phương, khi có vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, cần báo cáo trực tiếp với người chủ trì để có hướng giải quyết kịp thời", Bộ trưởng nêu vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đang tham dự hội nghị cần lắng nghe kỹ ý kiến của các cơ quan Bộ và kết luận của Thủ tướng để cùng nhìn nhận và khắc phục những vướng mắc, điểm nghẽn trong thực tiễn triển khai.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nêu tình trạng có những địa phương làm rất tốt nhưng cũng có những địa phương gần như không làm được gì.

"Ví dụ như Bà Rịa-Vũng Tàu, có trường hợp mặt bằng kéo dài 2-3 năm không giải quyết được vướng mắc mặt bằng cho một dự án. Nhưng khi lãnh đạo địa phương vào cuộc chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đã có mặt bằng sạch để thi công. Điều này chứng tỏ vấn đề nằm ở phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện và vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, nếu chỉ giao phó cho một vài cán bộ phụ trách công tác giải phóng mặt bằng mà không có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thì một năm cũng không thể hoàn thành được.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương, đặc biệt ở vùng đồng bằng như khó khăn nhiều hơn với miền núi. Vì vậy, càng cần phải có quyết tâm và sự quyết liệt hơn. Đôi khi chúng ta còn quá câu nệ, cứng nhắc vào thể chế, chính sách hay đơn giá bồi thường ban đầu, nếu lãnh đạo các cấp cùng vào cuộc thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn.

Ví dụ, đối với các hộ dân phải di dời nhà cửa để tái định cư, nếu cơ chế cho phép, có thể xem xét hỗ trợ thêm một khoản chi phí (ví dụ 60 triệu đồng/hộ) liên quan đến việc xây dựng nhà ở tái định cư, mà không vi phạm quy định pháp luật. Như vậy, bà con sẽ phấn khởi, đồng thuận hơn, tránh được vướng mắc làm chậm trễ dự án", Bộ trưởng nêu ý kiến.

Vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu đó là việc "không chấp nhận tình trạng một đơn vị được giao rồi lại chuyển nhượng hoặc giao cho một đơn vị khác". Với quy mô, khối lượng công việc như đã xác định, cần phải giao thẳng cho các đơn vị, nhà thầu có năng lực phù hợp, giao thẳng cho đơn vị thi công/Ban QLDA chịu trách nhiệm chính thì mới có thể đáp ứng tiến độ. Nếu có văn bản hoặc vấn đề vướng mắc trong triển khai, các đơn vị cần báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thời gian thi công và hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Về phân cấp, ủy quyền cho địa phương, Bộ Xây dựng khẳng định đã ban hành một văn bản chỉ đạo dưới hình thức công điện đối với tất cả các đơn vị, các cấp về vấn đề phân cấp, ủy quyền. Nếu đơn vị không thực hiện phân cấp, ủy quyền 100% các khối lượng công việc thuộc thẩm quyền phải phân cấp, Bộ Xây dựng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giải ngân đầu tư công: Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương- Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Trung

Bộ Tài chính: Địa phương nào có sự vào cuộc của người đứng đầu thì sẽ giải ngân tốt

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Trung cũng chia sẻ các vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công mà các địa phương đang gặp phải. Có những dự án mang tính đặc thù ví dụ như công trình văn hóa thì chịu quy định của Luật Di sản nhưng quy định về xây dựng thì lại không có đặc thù về các công trình văn hóa. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng địa phương nào có sự vào cuộc của người đứng đầu của cả hệ thống chính trị thì địa phương đó xử lý công việc rất tốt.

Về phân cấp, phân quyền, Bộ Tài chính cho biết, nếu như trước đây phần phê duyệt chủ trương đầu tư lên Thủ tướng Chính phủ thì trong Luật Đầu tư công hiện nay không còn một dự án nào để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nữa mà hoàn toàn phân hết cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố dựa các địa phương để chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, bố trí vốn, phân bổ vốn, thanh toán và quyết toán dự án.

Về việc điều chỉnh ngân sách, nếu như trước đây là từ Quốc hội xuống Thường vụ thì bây giờ đã đề nghị xuống Chính phủ để tạo điều kiện cho việc điều hành kế hoạch từ việc phân bổ, điều chỉnh. Toàn bộ vốn trước hạn trước đây Thủ tướng giao thì bây giờ cũng phân cấp hết xuống cho địa phương và trung ương.

Giải ngân đầu tư công: Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương- Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Xây dựng số hóa về dữ liệu đất đai là việc đặc biệt quan trọng

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhìn nhận, qua lắng nghe ý kiến vướng mắc của các địa phương trong quá trình giải ngân cho thấy có 4 nhóm vấn đề vướng mắc gồm: nguồn gốc sử dụng đất, xác định giá đất, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng và một số nội dung liên quan đến việc chuyển tiếp chính sách.

Nguyên nhân dẫn đến những cái khó khăn vướng mắc nêu trên: Thứ nhất, một số địa phương thì ban hành các văn bản quy định chi tiết thì còn chậm; Thứ hai, việc điều chỉnh bổ sung bảng giá đất, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng điều chỉnh chưa kịp thời, dẫn đến khi áp giá vào không đạt được sự đồng thuận của người dân; Thứ ba, là vấn đề cụ thể hóa và vận dụng các quy định chuyển tiếp về giải phóng mặt bằng trong Luật và Nghị định đã có quy định địa phương nào còn vướng mắc đều đã được Bộ hướng dẫn. Và đặc biệt là vấn đề liên quan đến xây dựng số hóa cơ sở dữ liệu về đất đai, đây là nội dung rất quan trọng, đặc biệt là xác định nguồn gốc sử dụng đất.

"Kinh nghiệm cho thấy rằng những địa phương nỗ lực thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng không có vướng mắc. Ví dụ như là Hà Nam, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu… không có vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng vì tất cả từng thửa đất đã được số hóa, xác định nguồn đất, tình trạng sử dụng đất", Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các địa phương cần ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thực hiện luật đất đai và các nghị định hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, các địa phương theo thẩm quyền điều chỉnh bổ sung bảng giá đất, đơn giá bồi thường, cây trồng vật nuôi trên đất và tài sản trên đất. Đặc biệt, các địa phương cần tích cực xây dựng số hóa cơ sở dữ liệu đất đai và theo chỉ đạo của Thủ tướng.

"Liên quan đến giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường sửa đổi bổ sung và cũng đã gửi văn bản xin ý kiến các địa phương. Đề nghị các địa phương tiếp tục phản ánh, nếu còn vướng mắc gì nữa Bộ xin tiếp thu để đưa vào nội dung sửa đổi bổ sung nghị định cho thực sự thông thoáng", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Phan Trang