Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Được biết, giai đoạn 1 của Dự án cải tạo, nâng cấp Thư viện Quốc gia (Dự án) được triển khai từ năm 2019 với tổng vốn đầu tư 92 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã thực hiện hơn 90% khối lượng, giải ngân vốn đầu tư đạt 70%. Các gói thầu đã được hoàn thành đúng tiến độ, vướng mắc chủ yếu do ảnh hưởng dịch COVID-19 liên quan đến các gói thầu nhập khẩu trang thiết bị. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Giai đoạn 2 của Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 670 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030
Giám đốc Thư viện Quốc gia Kiều Thuý Nga cho biết, khó khăn lớn nhất của Thư viện Quốc gia hiện nay là hệ thống hạ tầng xuống cấp nặng nề, vì vậy, cần khẩn trương triển khai giai đoạn 2 của Dự án để sửa chữa, cải tạo tổng thể, đồng bộ các kho lưu trữ sách, báo, nhà làm việc.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ VHTT&DL, đến ngày 24/10, Bộ đã giải ngân được xấp xỉ 210 tỷ đồng trên tổng số 1.184 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022. Đáng chú ý, Bộ VHTT&DL đang thực hiện quy trình xin cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022 là 496,8 tỷ đồng.
Đại diện các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi về nguyên nhân và hướng tháo gỡ các vướng mắc, bất cập gây chậm trễ trong giải ngân đầu tư công năm 2022 của Bộ VHTT&DL liên quan đến giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư; thanh quyết toán công trình hoàn thành; thủ tục điều chỉnh dự án; biến động giá cả vật tư.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Tổ công tác số 3 đã họp 3 phiên với các bộ, cơ quan, địa phương thuộc diện đôn đốc, kiểm tra để chỉ đạo rà soát và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Thực tế cho thấy có những công trình thiếu vốn, hoặc đã hoàn thành khối lượng thi công nhưng còn nợ nhà thầu, ngược lại, có những dự án được ưu tiên vốn nhưng không giải ngân được. Bên cạnh khó khăn, bất cập do cơ chế chung (giải phóng mặt bằng, giá vật liệu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…) thì cũng có những vướng mắc mang tính đặc thù của từng ngành.
Qua kiểm tra Dự án cải tạo, nâng cấp Thư viện Quốc gia, Phó Thủ tướng chỉ ra một số điểm đặc thù trong thực hiện các dự án đầu tư công của ngành văn hoá.
Đơn cử, đối với Thư viện Quốc gia, công trình Bộ VHTT&DL dự kiến lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hoá, là công trình kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, liên quan trực tiếp đến văn hoá, thì không thể ứng xử như công trình dân dụng khi tiến hành đầu tư, xây dựng, cải tạo. Hoặc các công trình, trung tâm thể thao phục vụ công tác huấn luyện cũng có những yêu cầu riêng biệt.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL rà soát lại các dự án đầu tư công đang được triển khai với quyết tâm cao nhất, đánh giá đầy đủ các nguyên nhân chủ quan, không đổ tại cho khách quan. Những dự án không thể giải ngân được thì làm rõ lý do, sớm đề xuất trả lại ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù nguồn lực có hạn nhưng Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá. Gần đây nhất, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều yêu cầu phải tập trung cho lĩnh vực văn hoá.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong nhiệm kỳ này, ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực văn hoá khoảng 7.200 tỷ đồng, gấp gần 3 lần nhiệm kỳ trước.
Vì vậy, Bộ VHTT&DL phải thực sự sẵn sàng để đầu tư các dự án đúng trọng tâm, trọng điểm, làm dứt điểm, thật tốt từng dự án, công trình.
Phó Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo Bộ VHTT&DL bàn cụ thể, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nhằm làm rõ những đặc thù khi thực hiện các dự án đầu tư công của Bộ, theo hướng không áp dụng định mức kỹ thuật, chuẩn mực của công trình, dự án dân dụng đối với các dự án, công trình văn hoá, thể thao, du lịch
"Những công trình có tính quốc gia như Thư viện Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam… khi đầu tư xây dựng, tu bổ, cải tạo phải đúng với tầm vóc của đất nước 100 triệu dân, có nền văn hiến mấy nghìn năm", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL khẩn trương rà soát, có đề án phát triển tổng thể hệ thống bảo tàng, thư viện lớn, công trình văn hoá, nghệ thuật mang tầm vóc quốc gia, để mỗi người dân khi đến thăm đều thấy tình cảm tự hào, thiêng liêng về văn hoá dân tộc; đồng thời trở thành những địa điểm đặc sắc giới thiệu văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Bộ VHTT&DL cần nghiêm túc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xem xét, đánh giá lại toàn diện những đơn vị sự nghiệp trực thuộc đang quản lý, vận hành những công trình văn hoá, thể thao lớn (Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia…), sau đó báo cáo, đề xuất mô hình quản lý, sắp xếp bộ máy tổ chức, đầu tư… trên tinh thần bố trí đủ nguồn lực để làm cho thật tốt.
Đình Nam