Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhà khoa học Svante Paabo được biết đến nhờ công trình mang tính bước ngoặt, được đánh giá là góp phần làm thay đổi lĩnh vực nghiên cứu về nguồn gốc loài người sau khi phát triển các cách tiếp cận mới cho phép kiểm tra chuỗi ADN từ những mẫu vật khảo cổ.
Dựa trên những phát hiện của mình, nhà di truyền học Svante Pääbo đã thiết lập một bộ môn khoa học hoàn toàn mới có tên gọi là Paleogenomics- tái tạo và phân tích thông tin bộ gene của các loài đã tuyệt chủng. Theo TTXVN, bằng cách chỉ ra những điểm khác nhau về di truyền học để phân biệt giữa loài người hiện nay và những loài vượn người đã tuyệt chủng, những phát hiện của ông đã cung cấp nền tảng cơ bản để khám phá những yếu tố giúp loài người trở nên khác biệt như ngày nay.
Thông qua nghiên cứu tiên phong của mình, nhà khoa học Svante Pääbo cũng đã thực hiện được một số điều "dường như không thể" như giải trình tự ADN của người Neanderthal - một phân loài của người cổ xưa sinh sống tại đại lục Á-Âu cho tới tầm 40.000 năm trước. Ông cũng đã mang đến phát hiện quan trọng về loài vượn người Denisova đã tuyệt chủng, cũng dựa trên những dữ liệu giải trình tự gene từ mẫu vật một mẩu xương tay được tìm thấy của loài này.
Nhà khoa học Svante Pääbo sinh năm 1955 tại Stockholm, từng học tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Zürich (Thụy Sĩ) và sau đó là Đại học California (Mỹ). Ông trở thành Giáo sư ở Đại học Munich (Đức) năm 1990. Sau đó, năm 1999, ông sáng lập Viện nghiên cứu nhân chủng học tiến hóa ở Leipzig, Đức và làm việc tại đây cho tới nay.
Các ứng viên sáng giá cho giải Nobel Y sinh năm nay thuộc về nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là nghiên cứu về công nghệ mRNA trong vaccine ngừa COVID-19; khám phá cơ sở di truyền của các căn bệnh; kỹ thuật vi lưu ứng dụng trong phân tách tế bào.
Giải thưởng Y sinh là giải khai màn tuần lễ Nobel 2022. Đây là giải Nobel Y sinh thứ 113 được công bố từ năm 1901 đến nay. Giải có giá trị 10 triệu crown Thụy Điển (900.357 USD). Năm 2021, giải Nobel Y sinh được trao cho 2 nhà khoa học người Mỹ là David Julius và Ardem Patapoutian, với những khám phá về các thụ thể của con người đối với nhiệt độ và xúc giác.
Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sĩ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số virus có thể gây ra ung thư.
Các giải thưởng tiếp theo được công bố gồm Giải Nobel Vật lý (ngày 4/10), Giải Nobel Hóa học (ngày 5/10) và Giải Nobel Văn học (ngày 6/10). Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 7/10. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2022 vào ngày 10/10.