Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội thảo-triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam, diễn ra ngày 24/11, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, theo thống kê, trong năm 2019 và 2020, việc mua bán trái phép trên thị trường chợ đen lên tới gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên cả nước.
Chính vì vậy, Bộ TT&TT xác định năm 2022 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Trong 10 tháng năm nay, đã chặn 2.063 website vi phạm, trong đó có 1.255 website lừa đảo. Bảo vệ 3,8 triệu người dân (gần 6% người dùng internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời, đồng thời cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.
Lập liên minh nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, vấn đề gốc, cốt lõi nhất của an toàn thông tin trên không gian mạng là làm sao để người dân có thể chủ động bảo vệ chính mình. Để làm được việc này cần phải nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn thông tin cho đông đảo người dân.
Chính vì vậy, lần đầu tiên 8 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã cùng ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Liên minh này chính thức được thành lập từ hôm nay (24/11), gồm các doanh nghiệp: Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, Tiktok và Cốc Cốc. Liên minh hoạt động dưới bảo trợ của Bộ TT&TT.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), những doanh nghiệp tham gia liên minh phải đáp ứng một số tiêu chí, như doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, có lượng người dùng dịch vụ lớn tại Việt Nam, có nền tảng hạ tầng, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn cho người dùng. Thời gian tới, liên minh sẽ mở rộng để các doanh nghiệp có đủ năng lực cùng tham gia.
Ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng Giám đốc Cốc Cốc cho biết, việc tham gia sáng lập liên minh chính là tiền đề để Cốc Cốc cũng như các doanh nghiệp khác đồng hành cùng Bộ T&TT và Chính phủ khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong chuyển đổi số. "Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động trực tuyến một cách nhanh chóng, an toàn, tiện lợi".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, an toàn thông tin là lĩnh vực khó, mang tính kỹ thuật phức tạp. Để đông đảo người dân ý thức, quan tâm đến vấn đề này thì hoạt động tuyên truyền cần phải đáp ứng 4 tiêu chí gồm "rộng", "thường xuyên", "dễ hiểu" và "ấn tượng".
"Liên minh cần tổ chức những chiến dịch tuyên truyền ngắn hạn và dài hạn để nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, người dân", Thứ trưởng gợi ý.
Hiền Minh