Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu khai mạc Chuyên đề 4, ông Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) cho biết: Thực hiện cam kết trong việc giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã có Nghị định 06/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozôn, trong đó có mức giảm phát thải cụ thể cho ngành Xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các lĩnh vực và cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/05/2022, phê duyệt "Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", đóng góp vào mục tiêu chung của Việt Nam thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.
Hàng năm Bộ Xây dựng tổ chức Tuần lễ Công trình xanh nhằm triển khai và khuyến khích các tổ chức, đơn vị phát triển công trình xanh, giảm phát thải CO2.
Năm 2024, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động, trong đó các hội thảo chia sẻ và giới thiệu những cơ chế chính sách, các giải pháp và ứng dụng khoa học công nghệ trong việc giảm phát thải khí nhà kính là hoạt động chính của Tuần lễ Công trình xanh.
Đặc biệt năm nay, với chủ đề chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn là việc làm rất ý nghĩa, truyền tải thông điệp mạnh mẽ nhấn mạnh đến hành động, không chỉ còn là cơ chế chính sách mà phải có những hoạt động thiết thực.
Ông Nguyễn Hồng Hải chia sẻ, với chủ đề "Kết hợp hiệu quả các giải pháp công nghệ và thiết bị hướng đến công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải", các bài tham luận sẽ tập trung chia sẻ về cơ chế, chính sách và giải pháp công nghệ giúp giảm phát thải khí nhà kính nhằm đưa mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.
Tại bài trình bày về giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong công trình xây dựng - Lựa chọn chiến lược và giải pháp phù hợp với Việt Nam, ông Trần Phương, Trưởng phòng Công trình xanh và Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm kết cấu thép và xây dựng (Viện IBST) cho rằng, cần thực hiện nghiên cứu, đánh giá, xác định tiềm năng giảm phát thải KNK và xác định các giải pháp, kế hoạch thực hiện khả thi nhằm đặt mức giảm phát thải theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
Theo diễn giả này, nội dung kế hoạch giảm phát thải KNK trong công trình xây dựng bao gồm: Xác định mục tiêu giảm KNK theo kịch bản chung của Việt Nam theo các trường hợp có hỗ trợ và chỉ sử dụng nguồn lực trong nước. Phân loại nhóm công trình, nhóm đối tượng với mục tiêu và giải pháp cụ thế (đặc biệt là nhà chung cư, nhà ở xã hội, văn phòng tiêu thụ nhiều năng lượng).
Đồng thời xuất, xây dựng công cụ báo cáo, theo dõi thực hiện làm cơ sở cập nhật lộ trình theo kịch bản chung của Việt Nam; chính sách về công trình xanh với mục tiêu bao nhiêu % công trình xây mới, công trình cải tạo, dạng công trình cần đạt; đề xuất các, tiêu chuẩn, quy chuẩn rà soát, cập nhật bổ sung, phục vụ việc thực hiện kế hoạch.
Cũng tại Hội thảo, ông Shigeru Tamura, Trưởng phòng cấp cao Phát triển giải pháp số Toshiba Software Việt Nam đã chia sẻ các giải pháp quản lý và kiểm kê KNK tự động cho công trình xây dựng.
Ông Rohan Rawte, Giám đốc điều hành IESVE Singapore Pte Ltd trình bày tham luận "Digital Twins góp phần thúc đẩy hiệu quả năng lượng và giảm phát thải cacbon trong môi trường xây dựng" với những thông tin cụ thể, hữu ích.
Tại tham luận "Cải thiện hiệu quả năng lượng của hệ thống HVAC trong công trình", TS. Hà Anh Tùng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM phân tích vùng thoải mái nhiệt của người Việt và người Thái, để thấy người Thái có xu hướng thích nhiệt độ lạnh hơn và khô hơn người Việt.
Từ thực tế này, TS. Hà Anh Tùng kiến nghị, cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để: Xác định vùng thoải mái nhiệt của người Việt. Nghiên cứu ảnh hưởng của mùa khô, mùa mưa đến hiệu suất HVAC và sự thoải mái về nhiệt của người dùng cuối.
Toà nhà xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành Bất động sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về môi trường sống và làm việc bền vững. Dự kiến đến năm 2025, 10% các toà nhà văn phòng sẽ đạt tiêu chuẩn xanh.
Tại Hội thảo này, ông Phạm Huy Tuấn, Trưởng phòng M&E, Savills Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm quản lý và vận hành các toà nhà đạt chứng nhận công trình xanh của Savills Việt Nam.
Theo đó, việc phát triển công trình xanh cần được thực hiện một cách toàn diện ngay ở những giai đoạn ban đầu, từ vật liệu xây dựng, vỏ bọc công trình đến hệ thống cơ điện hiện đại và tự động hóa để đảm bảo hiệu quả.
Việc đầu tư tòa nhà xanh mang tính chiến lược, gia tăng lợi thế cạnh trạnh, tối ưu năng lượng và chi phí vận hành; cũng như đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội trong dài hạn.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là phát triển tòa nhà xanh đòi hỏi quá trình nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cho các công đoạn khác nhau của dự án. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà phát triển, đội ngũ quản lý và người sử dụng đóng vai trò cốt yếu trong nỗ lực hạn chế phát thải ròng của ngành bất động sản.
Bà Nguyễn Thị Mai, chuyên gia về Công trình Chống chịu tác động của rủi ro khí hậu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) chia sẻ công cụ đánh giá khả năng thích ứng và chống chịu của công trình - Áp dụng tại một số công trình ở Việt Nam.
Các đại biểu cùng nhau thảo luận những nội dung chuyên sâu về giải pháp hướng tới công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, dưới sự điều phối của ông Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng Viện IBST.
Toàn Thắng