• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giải pháp kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô

(Chinhphu.vn) - Ngày 24/7, tại Bình Dương, Hiệp hội Kiểm định Xe cơ giới (CHLB Đức), tổ chức DEKRA Service Division Vehicles (SDV) và trường Đại học Việt Đức (VGU) tổ chức Hội thảo "Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô tham gia giao thông".

24/07/2024 16:47
Giải pháp kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô- Ảnh 1.

Giáo sư Rene Thiele, Hiệu trưởng Đại học Việt Đức phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/LS

Hướng tới tầm nhìn 'kép zero'

Tham dự Hội thảo có các cơ quan quản lý nhà nước, Hội An toàn giao thông Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Hội thảo đã thảo luận về các thách thức và giải pháp công nghệ trong kiểm định phương tiện, tập trung vào mục tiêu nâng cao an toàn giao thông và cải thiện chất lượng không khí. Sự kiện nhận được sự quan tâm và tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), cùng với lãnh đạo, chuyên gia từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học.

Theo các chuyên gia, các quốc gia như Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tầm nhìn kép zero (zero phát thải ròng và zero tai nạn giao thông có người tử vong). Trong bối cảnh những cải tiến công nghệ đang tiến triển rất nhanh, phương tiện sử dụng điện và phương tiện trang bị ADAS (hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến) không chỉ đem đến cơ hội hiện thực hóa tầm nhìn này mà còn tạo ra các thách thức đối với công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ.

Các đơn vị quản lý và các trung tâm kiểm định phương tiện đang gặp khó khăn trong việc kiểm định các phương tiện điện với pin công suất lớn cùng các thiết bị sạc, cũng như các phương tiện có trang bị công nghệ thông minh nhằm nâng cao an toàn giao thông (như ADAS). Đồng thời, xe mô tô và xe gắn máy là phương tiện chủ đạo ở Việt Nam, do đó công tác kiểm định kỹ thuật đối với xe cơ giới hai bánh cũng là một yêu cầu cấp bách mà Việt Nam đang thiếu các quy trình, quy định và hướng dẫn kiểm định.

Giáo sư Rene Thiele, Hiệu trưởng Đại học Việt Đức (VGU) nhấn mạnh: Không phát thải ròng và không có tai nạn, ở Việt Nam và Đông Nam Á là mục tiêu kép mà chúng tôi hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, điều rất quan trọng là phải có kiểm tra, công nghệ và các quy định về cách làm việc với điều này. Đây là lý do tại sao hội nghị này lại quan trọng đến vậy. Với số lượng xe điện đang tăng lên nhanh chóng, dự kiến sẽ chiếm khoảng 20% vào năm 2030, và cùng lúc đó, ngành công nghiệp phát triển nhanh cho các hệ thống trợ giúp lái xe tiên tiến, cả hai công nghệ này đều quan trọng đối với tương lai của giao thông và cách thức mà các phương tiện có thể đóng góp vào sứ mệnh zero phát thải và zero tai nạn.

Tại VGU, với tư cách là một trường đại học kỹ thuật, chúng tôi là điểm kết nối giữa kỹ thuật và công nghệ của Đức với sự phát triển và khát vọng của Việt Nam. Tôi tin rằng chúng ta đều có thể đóng góp để không chỉ làm cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đẹp trên trái đất, mà còn trở thành một trong những quốc gia hiện đại trên thế giới.

Ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, hoạt động kiểm định xe cơ giới tại Việt Nam từ lâu đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn đối với phương tiện giao thông cơ giới nói riêng và an toàn giao thông nói chung. 

Với gần 300 trung tâm kiểm định trải dài trên khắp toàn quốc, trong đó có tới hơn 70% các trung tâm đã được xã hội hóa, thuộc sở hữu của tư nhân. Có thể khẳng định rằng hệ thống kiểm định xe cơ giới đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành đổi mới, tái cấu trúc toàn diện nhằm không chỉ khắc phục những bất cập, sửa chữa những sai lầm mà còn xây dựng một hệ thống đăng kiểm tiên tiến, hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn.

"Chúng tôi mong muốn các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học từ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận thẳng thắn, khách quan về hiện trạng cũng như thách thức của hoạt động kiểm định hiện nay, những vấn đề mà ngành đăng kiểm đang phải đối mặt. Qua đó, đề xuất ra các giải pháp cần thiết để đổi mới, cải cách sâu rộng, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới", ông Phong bày tỏ.

Giải pháp kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô- Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, trường Đại học Việt Đức: Bụi mịn là nguyên nhân gây ra số ca tử vong gấp 3-5 lần tại TPHCM - Ảnh: VGP/LS

Chết vì bụi mịn cao hơn tai nạn giao thông gấp 3-5 lần tại TPHCM

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, trường Đại học Việt Đức, khảo sát đánh giá hiện trạng tại TPHCM (Đề tài Nghị định thư Việt Nam-CHLB Đức SHOTUP, 2021-2024) cho thấy, có khoảng 8 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô. Lượng lớn phương tiện này không chỉ gây ra vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Công trình nghiên cứu, khảo sát và lượng hóa tác động đến sức khỏe của bụi mịn trong chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy, riêng bụi mịn 2.5 và PM10 đã gây ra cái chết cũng như giảm tuổi thọ khoảng 2.000 - 3.000 người/năm (tại TP.HCM), tùy thuộc vào giới hạn và do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Trong khi đó, theo thống kê, mỗi năm TP.HCM có khoảng 500 - 600 người tử vong do tai nạn giao thông.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn đề xuất TPHCM có thể đi tiên phong trong việc triển khai kiểm soát khí thải xe máy trong 5 năm tới. Trong giai đoạn đầu, địa phương có thể phối hợp với Cục Đăng kiểm sử dụng các trung tâm bảo dưỡng xe máy để kiểm định.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp kỹ thuật để giảm lượng phát thải bụi bẩn của những xe máy không đạt yêu cầu khi kiểm định. Đối với những xe không thể bảo dưỡng, cần phải thải loại. Ông Tuấn cũng cho rằng TPHCM cần có chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp như chính sách đổi xe máy cũ sang xe máy điện.

"Đây là vấn đề cấp bách, còn nguy hiểm hơn cả tai nạn giao thông. Chúng ta phải có hành động cụ thể cũng như lộ trình phù hợp để kiểm soát khí thải xe máy", ông Tuấn nhấn mạnh.

Các chủ đề chính của các phiên thảo luận gồm: Tổng quan các vấn đề và thách thức giao thông đường bộ, công tác kiểm định xe cơ giới tại Việt Nam; ý thức kiểm tra xe định kỳ; xu hướng phát triển và các vấn đề của phương tiện điện và phương tiện có ADAS ở Việt Nam; các nỗ lực thực hiện kiểm soát khí thải xe cơ giới của Việt Nam; ô nhiễm không khí từ xe cộ và tác động sức khỏe cộng đồng; đóng góp của kiểm tra khí thải đối với môi trường; giá trị của việc kiểm tra phương tiện định kỳ; tương lai của việc kiểm tra khí thải; tương lai và thách thức của việc kiểm định xe định kỳ (PTI)…

Các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề và thách thức trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kiểm định và kiểm soát khí thải tại Việt Nam. Các nỗ lực này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải Việt Nam trong tương lai.

Hội thảo này là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Sự kiện này không chỉ giúp chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà còn tạo cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan để cùng nhau hướng tới một tương lai giao thông an toàn và bền vững.

Hữu Chung