Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bảo vệ người giữ rừng
Tổ tuần tra của Lâm trường Buôn Gia Vầm phát hiện tám đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép trong phần rừng quản lý thuộc địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar; Trong lúc bắt giữ và áp giải người và tang vật về trụ sở thì một lâm tặc tên là Lê Văn Thuật đã dùng súng tự chế chĩa vào từng người trong tổ tuần tra đe dọa. Trước thái độ kiên quyết của tổ tuần tra, Thuật nhằm thẳng anh Nguyễn Kim Mưu, cán bộ tổ công tác, bóp cò súng khiến anh Mưu bị thương nặng vào bụng. Trong khi tổ tuần tra đưa anh Mưu đi cấp cứu, các đối tượng phá rừng đã kịp thời tẩu tán cùng tang vật. Trước đó, cũng tại lâm trường này, sáu cán bộ của lâm trường cũng bị lâm tặc tiến công khi phát hiện chúng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, khiến anh Nguyễn Kim Nhật, cán bộ lâm trường bị thương nặng với nhiều vết chém vào đầu, mặt.
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (trên địa bàn huyện Ea Kar) mới đây, xảy ra vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ tại khu vực giáp ranh với xã Ea Đá (huyện Krông Năng). Cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 2 phát hiện sáu đối tượng đi săn đang vận chuyển một đầu và hai chân sau của một con nai lớn (thuộc nhóm 1B) và đã tạm giữ tang vật cùng hai đối tượng; bốn đối tượng còn lại bỏ chạy về hướng xã Ea Đá. Khoảng 20 phút sau, có gần 30 thanh niên từ xã Ea Đá kéo đến bao vây, dùng hung khí tiến công tổ tuần tra và đâm năm nhát vào người kiểm lâm viên Lê Tấn Hoàng, trong đó một nhát xuyên từ phía sau lưng làm thủng phổi. Cũng vào thời điểm này, Hạt Kiểm lâm Krông Ana cử ba cán bộ đi kiểm tra ngăn chặn một xe chở 17 thanh gỗ xẻ bằng lăng, từ hướng xã Hòa Bình ra thị trấn Buôn Trấp, người điều khiển phương tiện là Nguyễn Văn Định trú tại thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp. Cùng đi trên xe còn có hai con của ông Định. Sau khi dùng tiền hối lộ tổ công tác không được, ba cha con ông Định đã dùng gậy hành hung tổ công tác khiến một kiểm lâm viên bị thương nặng ở vùng trán, rồi cướp xe cùng tang vật bỏ trốn... Khó có thể kể hết những vụ việc lâm tặc chống trả lại người thi hành công vụ ở Đắk Lắk trong thời gian qua.
Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Gia Vầm Phạm Đình Tường phân tích: Một khi lực lượng chức năng kiểm tra ráo riết thì lâm tặc sẽ khó "làm ăn". Trong khi đó, hầu hết những đối tượng vào rừng lấy gỗ, vận chuyển, đi săn hầu như chỉ là người làm thuê, còn những "ông trùm" thì không lộ diện. Một nguyên nhân khác khiến lâm tặc "nhờn thuốc" chính là công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa quyết liệt. Nhiều cán bộ kiểm lâm bức xúc nói: Lâm tặc rất hung hãn. Nhiều vụ kiểm lâm bắt được đối tượng phá rừng chuyển cho cơ quan chức năng xử lý, nhưng sau đó, vài hôm sau lại thấy đối tượng đó nhởn nhơ vào rừng... Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Y Rít Buôn Yă cho biết: Tất cả các vụ việc xảy ra đều đã được báo với cơ quan công an để phối hợp điều tra theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Chi cục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ cơ quan điều tra các cấp để nhanh chóng có kết luận, sớm đưa ra xét xử các vụ hành hung, chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian qua để làm gương. Ông Y Rít đề nghị, các vụ án này phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời thì mới ngăn chặn được nạn phá rừng trái phép lộng hành như hiện nay.
Phát triển rừng trồng
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện tỉnh Đắk Lắk có 1.079.185 ha đất nông nghiệp, trong đó đất lâm nghiệp là 600.245 ha. Có thể nói, việc quản lý rừng trong những năm qua có nhiều tiến bộ, tình hình phát nương làm rẫy giảm nhiều. Người dân địa phương đã được Nhà nước giao rừng và tích cực tham gia vào quản lý và bảo vệ rừng. Ngành lâm nghiệp từng bước thực hiện xã hội hóa nghề rừng, việc giao đất, khoán rừng cùng lúc với tổ chức sản xuất nông-lâm kết hợp theo mô hình trang trại, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trực tiếp, hoặc liên doanh, liên kết trong lĩnh vực trồng rừng, trồng cây công nghiệp... gắn với vùng nguyên liệu. Trong ba năm gần đây, Đắk Lắk trồng được 14.734 ha rừng tập trung, khoanh nuôi sinh thái 2.944 ha; giao khoán rừng theo Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ ở năm huyện với diện tích 25.075 ha, trong đó đất có rừng là 17.438 ha. Thực hiện Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã giao hơn 34.183 ha rừng cho 22 cộng đồng, 33 nhóm hộ và 1.937 hộ gia đình nhận quản lý và bảo vệ.
Trưởng buôn Yang Ré, xã Yang Ré (huyện Krông Bông) Ama Hợp, cho biết: Không lâu nữa mầu xanh của rừng sẽ phủ kín vùng đồi Yang Ré này, bà con trong buôn tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng, không những thế, chính quyền địa phương luôn động viên và Nhà nước hỗ trợ hai triệu đồng tiền giống và phân bón trên mỗi ha. 32 hộ trong buôn đều tham gia trồng rừng, hộ nào nhiều đất thì trồng nhiều, hộ ít tham gia ít. Ngoài ra, tất cả các hộ đều đã được tập huấn và tham gia trồng, bảo vệ rừng. Được biết, Vườn quốc gia Chư Yang Sin, đơn vị lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn hai huyện (Krông Bông và Lắc) đã giúp bà con ba xã (Ea Tru, Yang Ré, Hòa Sơn) trồng 144 ha rừng với hơn 100 hộ tham gia, trong đó 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống của bà con từng bước được cải thiện.
Cách trung tâm xã Đác Nuê, huyện Lắc, chừng 20 km, có một vườn rừng của người cựu chiến binh tên Trần Khắc Châu, quê ở Nghệ An vào đây lập nghiệp từ năm 2005. Khi có chủ trương cho Công ty Lâm nghiệp liên kết với các hộ trồng rừng, ông Châu nhận trồng 40 ha nằm rải rác trên năm quả đồi, với phương thức gia đình đầu tư trồng 20 ha (100% vốn), 20 ha còn lại theo phương thức: Công ty góp 50% vốn, gia đình 50% vốn. Lợi nhuận chia theo tỷ lệ góp vốn. Những ngày đầu khá vất vả, nhưng gia đình ông chú trọng ngay từ khâu làm cỏ, chăm sóc cây theo từng giai đoạn phát triển, nhờ vậy cây phát triển tốt. Hiện 40 ha rừng ông Châu nhận trồng rừng đã phủ mầu xanh mướt.
Tuy vậy, diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk vẫn ngày một giảm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, song vấn đề chính là do tăng trưởng của ngành lâm nghiệp Đắk Lắk thấp và chưa bền vững, sức cạnh tranh yếu, tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác hợp lý. Rừng tự nhiên cũng như rừng trồng cho năng suất và chất lượng không cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tác động của ngành lâm nghiệp trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, chưa tạo nhiều việc làm, thu nhập từ nghề rừng thấp và không ổn định, khiến người dân không gắn bó với nghề rừng. Mặt khác, hệ thống chính sách lâm nghiệp ở địa phương chưa đồng bộ, chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa nghề rừng để tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, nhất là hộ gia đình, cộng đồng. Việc quản lý rừng và đất rừng còn nhiều bất cập, tiến độ giao đất, giao rừng chậm, trình độ cán bộ quản lý lâm nghiệp non kém trong khi lâm tặc ngày càng lộng hành, diện tích rừng bị phá ngày càng rộng ra mà các cấp chính quyền vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Tăng cường quản lý rừng và đất rừng
Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020 đưa độ che phủ của rừng lên 53%. Giải pháp trước hết là, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo hướng thành lập các công ty lâm nghiệp khép kín trên địa bàn. Củng cố các ban quản lý rừng để thực hiện chức năng quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, đồng thời làm nòng cốt trên địa bàn góp phần phát triển kinh tế-xã hội nông thôn. Ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, tạo việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị lâm nghiệp cùng các ngành khác phải phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao dân trí.
Để việc giao đất, giao rừng có hiệu quả, vừa quản lý, bảo vệ được rừng, vừa nâng cao mức sống của cộng đồng, theo Quyết định 178 và 304 của Thủ tướng Chính phủ cần được nghiên cứu và đề ra những quy định cụ thể, thiết thực hơn, nhằm tạo động lực cho người lao động, hộ gia đình nhận và bảo vệ rừng. Sau khi giao đất, giao rừng cho từng đối tượng cũng đồng thời giao cho Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ, xây dựng và thực hiện theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; trong đó cần chú ý nghiên cứu giúp đỡ cộng đồng và hộ gia đình nhận đất rừng phát triển kinh tế hộ nhằm có thu nhập ổn định, xóa được đói nghèo để họ yên tâm gắn bó với rừng. Tăng cường việc giao đất, giao rừng với việc cho thuê đất liên kết, trong liên kết phải chọn đơn vị có tiềm năng nhằm sử dụng đất có hiệu quả hơn. Bảo vệ và phát triển rừng gắn với cộng đồng, với dân có hưởng lợi, tránh xảy ra tranh chấp đất đai, khiếu kiện. Tất cả các chủ rừng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật định, trong phần đất lâm nghiệp giao cho hộ nhất thiết phải bố trí từ một đến hai ha đất để lấy ngắn nuôi dài. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là đưa công nghệ thông tin vào quản lý lâm nghiệp, ứng dụng thành tựu khoa học trong sản xuất và chế biến lâm sản, giống, cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm tốt của đồng bào các dân tộc tại chỗ về quản lý và bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên rừng.File đính kèm: