Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chia sẻ tại hội thảo "Xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững" do Báo Công Thương tổ chức ngày 18/11 tại TPHCM, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu-Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, việc tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hiệu quả hơn.
Các DN Việt Nam đã tận dụng và khai thác tương đối hiệu quả những lợi ích mang lại từ hiệp định. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn từ các thị trường FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Đáng chú ý là việc siết chặt các vấn đề về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Các đối tác FTA cũng ngày càng đẩy mạnh thực thi và giám sát thực thi các chương liên quan đến vấn đề này.
"Xu hướng này được nhận định sẽ tác động lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới, gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp", bà Hiền chia sẻ.
Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, thời gian tới, thách thức chính của DN Việt Nam là phải đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, đáng tin cậy.
Đơn cử như tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi sẽ phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn với việc mới đây EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn. Hay như đối với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam, muốn tăng trưởng xuất khẩu cũng cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép VPA/Flegt, giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG (Environmental-Social-Governance), phát thải CO2…
Nhìn nhận về các thách thức trong thời gian tới, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, với ngành gỗ, khi tham gia các FTA, DN có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác. Minh chứng là kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các thị trường đều giữ mức ổn định.
Hiện nay, ngành gỗ có khoảng 14 triệu ha rừng, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất. Nếu quy hoạch tốt, chúng ta có thể đảm bảo 60% nguyên liệu, phần hụt có thể thiếu bù đắp từ Mỹ, Chile. Do đó, các DN không chỉ đảm bảo tiêu chí môi trường trong nước, mà cả trên toàn cầu, và việc nhập khẩu gỗ phải đảm bảo nguồn gốc.
Cũng theo ông Nguyễn Chánh Phương, với các yêu cầu về môi trường, về lao động, hay nguồn gốc xuất xứ, mặc dù là rào cản kỹ thuật, nhưng đây là cơ hội để nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Khi DN vượt qua được những yêu cầu này sẽ tạo ra bước tiến mới. Do vậy, DN phải xem những yêu cầu về môi trường, lao động này là thành tựu và phải vượt qua.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực TPHCM cho rằng, trong bối cảnh mới sau đại dịch, muốn tồn tại và phát triển, đầu tiên DN phải bắt nhịp kịp với thị trường để đưa ra những sản phẩm thị trường cần. DN buộc phải nghiên cứu sâu thị trường, nghiên cứu tiêu chuẩn thị trường, thay đổi mẫu mã theo nhu cầu.
Đồng quan điểm trên, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn, nhưng chưa có chiến lược xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, hay organic, mà hiện nay chúng ta xuất thô hơn 80% cho các nước khác chế biến. Do đó, DN nên có chiến lược chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu.
Để làm được điều này các cơ quan chức năng phải hỗ trợ đồng thời phát triển thêm công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, bên cạnh vốn, DN phải củng cố nguồn lực, phải đi theo tiêu chuẩn của thế giới để thâm nhập vào thị trường sâu hơn. Đây cũng là cách duy nhất để khẳng định năng lực của DN.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết, từ thực tiễn và yêu cầu mới đặt ra từ các thị trường xuất khẩu, DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường; tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
Theo đó, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.
Liên quan đến phát triển xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Theo chiến lược này, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Lê Anh