Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực trạng lao động Việt Nam
Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn 3,19%, góp phần giảm tỉ trọng lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40,4%. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,26%, trong khu vực thành thị là 3,19%, có 53,5 triệu lao động có việc làm nhưng chỉ có 42% là người làm công ăn lương. Tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 57,1%; Năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động).
![]() |
Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người |
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam rất thấp: Năm 2014, NSLĐ của Việt Nam tính theo sức mua tương đương của đồng USD năm 2011 ($PPP, 2011) là 8.880 USD, chỉ cao hơn Campuchia (5.410 USD) và Myanmar (8.430 USD), thấp hơn tất cả các nước ASEAN còn lại: Lào (8.970 USD), Philippines (16.870 USD), Indonesia (23.010 USD) Thái Lan (25.470 USD), Malaysia (54.440 USD) và Singapore (125.420 USD).
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, quý II/2017, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 34.852 người (trong đó 37,24% là nữ), gồm các thị trường: Đài Loan là 16.534 lao động (chiếm 47,4%); Nhật Bản là 13.525 lao động (chiếm 38,81%); Hàn Quốc là 2.444 lao động (chiếm 7,01%); các thị trường khác (Malaysia, Saudi Arabia…) là 2.349 lao động (chiếm 6,74%). Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 57.424 lao động (21.249 lao động nữ), tăng 6,08% so với cùng kỳ năm 2016. Số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết quý 2/2017 là 285 doanh nghiệp (trong đó doanh nghiệp nhà nước là 15; công ty cổ phần là 213, công ty TNHH là 57).
Định hướng phát triển lao động
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được ứng dụng, sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số làm thay đổi thế giới, đảo lộn mọi giá trị truyền thống, xóa nhòa ranh giới, khoảng cách về không gian, thời gian, địa lý, màu da, dân tộc; tạo ra một thế giới phẳng. Thời kỳ kỷ nguyên số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, cụ thể sẽ có nhiều ngành nghề, công việc truyền thống/thủ công sẽ mất đi đồng nghĩa với việc người lao động ở các quốc gia sẽ mất đi nhiều việc làm, cơ hội việc làm nhưng nó cũng mở ra cơ hội xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.
Đối với Việt Nam, một quốc gia có xuất phát điểm, nền tảng, trình độ (công nghệ, nguồn nhân lực..) hạn chế thì thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức như: Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; Sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao robot, trang thiết bị công nghệ thông minh; Thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là một số ngành/lĩnh vực chủ lực của thời kỳ kỷ nguyên số như bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin…
Do đó, trước mắt thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện. Tuy nhiên thị trường lao động ta vẫn còn những điểm hạn chế phải khắc phục như: Chất lượng lao động ở nước ta thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp. Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Trong khi cung lao động lớn, song vẫn có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, không chỉ lao động qua đào tạo mà còn khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, Lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và các ngành thâm dụng lao động (sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản và khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông). Chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm việc, lao động gia đình không hưởng lương và lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức, vẫn là ba nhóm lao động chủ đạo của nền kinh tế. Còn rất nhiều lao động làm công ăn lương chỉ có hợp đồng bằng miệng hoặc thậm chí là không có hợp đồng. Thất nghiệp gia tăng ở những người có trình độ cao (từ đại học trở lên).
Một số giải pháp
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, góp phần thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2018-2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung thực hiện các một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, về hoạt động đầu tư nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hướng đầu tư nâng cao năng lực đối với các TTDVVL trong danh sách 21 Trung tâm đã được phê duyệt; Ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cổ phần hóa đối với hệ thống TTDVVL theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Thứ hai, về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, hỗ trợ các địa phương tổ chức giao dịch việc làm, các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, trong đó có ưu tiên hơn cho 04 Trung tâm dịch vụ việc làm khu vực và 02 thành phố lớn (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); Tổ chức điều tra, khảo sát thị trường lao động phục vụ công tác quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động; Phối hợp với Tổng cục Thống kê và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng phương pháp, cách thức thu thập, cập nhật thông tin về lao động, việc làm phục vụ nhu cầu quản lý và hoạch định chính sách (trên cơ sở các ý kiến góp ý tại Hội thảo đánh giá việc triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu về cung-cầu lao động tháng 10/2017 tại Hà Nội vừa qua); Hướng dẫn việc xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người, người tìm việc cho hệ thống TTDVVL; triển khai thực hiện Dự án mạng thông tin việc làm Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ trong giai đoạn 2017-2019; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao dịch, kết nối việc làm; Phân tích, dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn,…
Thứ ba, về hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, thí điểm đặt hàng hợp đồng với TTDVVL và các tổ chức, đơn vị có liên quan khác như VCCI, Trung ương Đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho lao động di cư; thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn.
Thứ tư, nâng cao năng lực, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án trong đó: Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về việc làm; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tư vấn viên của TTDVVL; Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lao động, việc làm, nhất là cho lao động nông thôn, lao động di cư và các đối tượng lao động đặc thù (thanh niên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…).
Tuấn Dương