Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam. Ảnh minh hoạ. |
Theo báo cáo từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, năng lượng điện gió đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2018, tổng công suất nguồn điện gió toàn thế giới khoảng trên 591GW, tăng bình quân khoảng 18%/năm giai đoạn 2008-2018. Các nước có sản lượng điện gió lớn trên thế giới có thể kể đến, như: Trung Quốc sản xuất 366 tỷ kWh, chiếm 28,8% tổng sản lượng điện gió toàn thế giới; Mỹ 278 tỷ kWh, chiếm 22%; Đức sản xuất 112 tỷ kWh, chiếm 10,3 %...
Ông Nguyễn Văn Vy, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, tại Việt Nam, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển lên hàng trăm nghìn MW công suất điện gió.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới đưa vào vận hành khoảng 8 dự án, tổng công suất khoảng 300MW; đang xây dựng khoảng 10 dự án, tổng công suất khoảng 1.400MW. Đây vẫn còn là con số hạn chế so với tiềm năng, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi cho điện gió.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam, bởi tiềm năng ở Việt Nam trong lĩnh vực này là rất lớn.
Dẫn chứng về dự án điện gió ngoài khơi Thang Long Wind (Bình Thuận), ông Ngãi cho rằng, với công suất 3.400MW, vốn lên đến 11,9 tỷ USD, dự án này nếu được triển khai thành công sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Chưa kể đây cũng là một dự án tận dụng được các nhà thầu trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa và có thể đưa Việt Nam tiến một bước mới trong lĩnh vực điện gió bởi dự án ThangLong Wind có tỉ lệ nội địa hóa lên tới 50%.
Cụ thể, Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro (Vietsovpetro) và Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS) - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam có nhiệm vụ đảm nhiệm toàn bộ phần công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các chân đế ngoài khơi và các phần việc khác liên quan mà Vietsovpetro và PVC-MS có thể đảm nhận được.
Về tình trạng hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió tập trung tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận “ế hàng” vì lưới điện truyền tải không theo kịp sự đầu tư, theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, chủ đầu tư dự án ThangLong Wind, vấn đề đấu nối của dự án điện gió cũng là một bài toán cần giải quyết.
“Hiện đơn vị cũng thảo luận với đơn vị tư vấn PECC3 về đấu nối hệ thống để xem hệ thống có thể chịu tải bao nhiêu MW và cần cải thiện như thế nào. Ngay từ giai đoạn đầu tiên, Tập đoàn Enterprize Energy sẽ xây dựng các sơ sở để đảm bảo kết nối dài hạn, như các trạm, đường chờ sẵn cho kết nối dưới lòng biển, để đảm bảo an toàn khi kết nối hệ thống, các giai đoạn tiếp theo khi kết nối vẫn có thể đảm bảo an toàn của hệ thống này”, ông Ian Hatton nói.
Đối với việc hưởng mức giá ưu đãi cho điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, mức giá mua điện 8,5 US cents/kWh cho dự án trên đất liền và 9,8 US cent/kWh cho dự án điện gió trên biển được nhiều nhà đầu tư đánh giá là khá hấp dẫn và có thời hạn đến 1/11/2021.
Ông Ian Hatton cho biết, giai đoạn I của dự án Thang Long Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW. Như vậy, về thời gian, dự án sẽ không thể đi vào hoạt động để kịp hưởng mức giá ưu đãi trên. Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy đề xuất Chính phủ có thể có cơ chế giá sẽ theo hướng bậc thang xuống để hỗ trợ doanh nghiệp huy động tài chính một cách dễ dàng hơn.
Ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cũng chia sẻ, Anh rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam khai thác tài nguyên này để giúp đáp ứng các mục tiêu về năng lượng của đất nước. Hiện tại, có 2 dự án điện gió ngoài khơi có giá trị kinh tế lớn sẽ được phát triển tại Việt Nam đó là dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind ở tỉnh Bình Thuận và điện gió ngoài khơi ở Sóc Trăng được phát triển bởi các nhà đầu tư từ Anh.
Dự án Thang Long Wind nằm ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (tính từ mũi Kê Gà trở ra) khoảng 50 km, diện tích trên 2.000 km2, có tốc độ gió bình quân 9,5 m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau. Những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5 MW, sau đó với sự tiến bộ của công nghệ sẽ được tăng lên 10MW - 12MW.
Giai đoạn I của dự án Thang Long Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió. Giai đoạn phát triển tiếp theo là Thang Long Wind II, Thang Long Wind III, Thang Long Wind IV, Thang Long Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là Thang Long Wind VI với công suất 400 MW. Tổng công suất của dự án đạt khoảng 3.400 MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án 3.400 MW tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia. |