Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Thùy Dung |
Bà Carolyn Turk bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu từ khi Nghị quyết 120 được ban hành cách đây 3 năm và cho rằng bản thân Nghị quyết đã là một bước tiến lớn trong việc tạo cơ sở điều phối các hoạt động vì sự phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá cao sự chuẩn bị cho quy hoạch tổng thể của khu vực, việc thành lập Hội đồng Điều phối khu vực, Quy hoạch chuyển đổi nông nghiệp và một số Kế hoạch hành động khác với sự tham gia của các cơ quan, ban ngành khác nhau.
“Nghị quyết này tạo ra nền tảng rất quan trọng để tập trung vào thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên nhằm ứng phó với một số vấn đề cấp bách tại ĐBSCL, bao gồm cả những vấn đề do BĐKH gây ra”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Nghị quyết tạo điều kiện cho sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa các bộ, ngành và giữa 13 địa phương tại ĐBSCL bởi những vấn đề này quá lớn để giải quyết theo từng tỉnh.
Trong tương lai, phía WB mong muốn Việt Nam tạo ra những cơ chế mạnh mẽ hơn để có sự phối hợp thực chất và hy vọng cơ chế Hội đồng Điều phối khu vực sẽ trở thành một diễn đàn đưa ra các quyết định về tài chính, về phân bổ nguồn lực và các quyết định ưu tiên các khoản đầu tư.
Thêm vào đó, bà Carolyn Turk gợi ý cần thiết lập một cơ chế khác nhằm giải quyết các tranh chấp xung quanh các khoản đầu tư đó và bày tỏ tin tưởng điều này có thể tạo cơ sở mạnh hỗ trợ cho những công việc tiếp theo.
Đánh giá về hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thích ứng và phòng chống BĐKH tại Việt Nam, Giám đốc Quốc gia WB nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ số trong việc cung cấp cơ sở khoa học tốt hơn, cơ sở bằng chứng tốt hơn cho việc đưa ra các quyết định và chia sẻ thông tin giữa tất cả các ban, ngành.
“Công nghệ số không chỉ giúp chúng ta về mặt khoa học mà còn hỗ trợ chúng ta hiểu một cách khoa học về những tác động của môi trường, về sự xói mòn, nhiễm mặn, về quản lý tài nguyên nước. Thêm vào đó, công nghệ số cũng có thể giúp chúng ta chia sẻ thông tin đó một cách rất hiệu quả giữa các bên liên quan khác nhau và tới những nhà hoạch định”, bà Carolyn Turk cho biết.
Giảm thiểu và thích ứng
Đại diện WB đưa ra 2 góc độ trong việc định hướng các giải pháp mạnh mẽ ứng phó với BĐKH, bao gồm việc nhìn nhận Việt Nam như một nhân tố thúc đẩy BĐKH vì lượng khí thải và lượng carbon phát ra trong quá trình phát triển và ở góc độ khác, Việt Nam là một quốc gia cần thích ứng với tác động của BĐKH.
Về mặt giảm thiểu, bà Carolyn Turk cho rằng điều quan trọng là Chính phủ phải thực hiện các bước đi táo bạo để tách con đường tăng trưởng khỏi việc gia tăng lượng khí thải carbon. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm thải khí nhà kính và đây cũng là điều quan trọng cần tính đến cho chiến lược năng lượng trong tương lai.
Bên cạnh đó, giảm phát thải cũng quan trọng trong chiến lược nông nghiệp, chiến lược giao thông và lương thực, những ngành gây ra phát thải khí nhà kính và góp phần dẫn đến BĐKH.
Về mặt thích ứng, Việt Nam với đường bờ biển rất dài và các đồng bằng trũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và những thách thức trong quản lý tài nguyên nước như nhiễm mặn xói mòn bờ sông và xói mòn dải ven biển. Do đó, Việt Nam sẽ phải chú trọng vào những khu vực quan trọng này nhằm bảo vệ hợp lý trước một số tác động xấu nhất của BĐKH.
“Một số giải pháp liên quan đến cơ sở hạ tầng nhưng có những giải pháp khác dựa nhiều hơn vào bản chất tự nhiên và Chính phủ sẽ cần phải đánh giá rất kỹ xem loại giải pháp nào hiệu quả nhất trong các môi trường khác nhau”, bà Carolyn Turk đưa ra khuyến nghị.
Thùy Dung