Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật: cần thay đổi từ cách nhìn
Đầu tháng 11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Viện nghiên cứu phát triển xã hội đã tổ chức hội thảo tập huấn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan người khuyết tật. Không chỉ riêng tại Đồng Nai, có thể nói người khuyết tật hiện nay đang gặp vô vàn những khó khăn trong cuộc sống mà nguyên nhân chính xuất phát từ những rào cản do nhận thức, thái độ không đúng của cộng đồng về vai trò cũng như khả năng của họ trong cuộc sống.
Thảo luận nhóm tại hội thảo. *Vô vàn khó khăn
Điều 2, Luật người khuyết tật đã ghi rõ Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Thế nhưng thực tế, theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển xã hội thì cho đến nay, khuyết tật vẫn chưa được xem như một sản phẩm xã hội mà chủ yếu được hiểu như là những vấn đề sức khỏe của một nhóm người bị thiệt thòi do tình trạng “không may bị khuyết tật” của họ gây ra.
Theo số liệu mà Ts. Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cung cấp tại chương trình hội thảo và tập huấn về giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến người khuyết tật (NKT) vừa mới tổ chức tại Đồng Nai vừa qua thì khoảng 65% - 80% NKT chủ yếu sống phải phụ thuộc vào gia đình và trợ cấp xã hội thông qua chính phủ, cộng đồng địa phương; chỉ có 25 – 35% NKT có việc làm. Trong khi đó, hầu hết những gia đình có NKT đều có mức sống thấp trong đó 33% rơi vào loại nghèo (số liệu năm 2005). Chỉ có 11% hộ gia đình có NKT có đủ tiền xây dựng nhà ở kiên cố. Đặc biệt, trình độ học vấn của người khuyết tật thấp ở mức báo động: 41% NKT từ 6 tuổi trở lên mù chữ. Về mặt giáo dục đại học và kỹ thuật có tới 93,4% NKT tuổi từ 16 trở lên không được đào tạo gì…
Đại biểu tham gia hội thảo. Do những hạn chế trên mà hiện nay có rất ít NKT tìm được việc làm cả trong cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp mặc dù nhu cầu mong muốn tìm được việc làm, ổn định cuộc sống là rất lớn. Thu nhập của họ rất thấp hầu hết làm nông nghiệp.
Một trong những rào cản lớn nhất cản trở sự tiến bộ của NKT đó là thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với NKT của cộng đồng xã hội. Do ảnh hưởng từ truyền thống văn hóa luôn coi người khuyết tật như một gánh nặng của xã hội hoặc NKT hoàn toàn không có khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Điều này có thể nhận thấy rất phổ biến trong thực tế cuộc sống như: trẻ khuyết tật đôi khi cũng bị nhà trường xa lánh hoặc trở thành mục tiêu bị chế nhạo, cô lập từ những học sinh không bị khuyết tật xung quanh. Ở lĩnh vực việc làm, những người chủ doanh nghiệp đôi khi không muốn mạo hiểm thuê NKT vì sợ không đảm bảo yêu cầu công việc, giảm lợi nhuận. Hay ngay trong vấn đề xây dựng hạnh phúc lứa đôi, một trong những nhu cầu chính đáng của mỗi người thì với NKT cũng còn rất ghập gềnh khi xã hội vẫn tồn tại cái nhìn lệch lạc cho rằng họ không xứng đáng được hưởng do cơ thể không lành lặn…
*Thay đổi cách nhìn
Phân tích về những quan niệm phổ biến của cộng đồng xã hội về NKT hiện nay, Ts. Khuất Thu Hồng cho rằng, chủ yếu vẫn là thái độ nhìn NKT theo kiểu “thương hại”. Ngay từ khuyết tật thôi cũng đã lập tức thể hiện quan niệm tiêu cực về những thứ mà NKT không thể làm được chứ không phải những cái mà họ có thể làm. Một thái độ tiêu cực nữa là xu hướng cho rằng NKT thường ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác mà không thể tự mình vươn lên, thậm chí còn quan niệm NKT có thể mang lại vận xui, không may mắn trong cuộc sống. Chính sự hiểu biết bàng quang này dễ dẫn đến sự kỳ thị, xa lánh NKT thậm chí kỳ thị với cả những gia đình có NKT.
Chính nỗ lực vươn lên của mỗi NKT là hành động thiết thực nhất thay đổi quan niệm không đúng về NKT Và ngay chính trong gia đình mình, NKT cũng chưa chắc được đổi xử tốt hơn người không bị khuyết tật. Số liệu từ Viện nghiên cứu cũng cho thấy, tình trạng NKT bị đối xử tàn tệ từ chính những người thân của mình thậm chí là xúc phạm, nguyền rủa vì đã tạo gánh nặng, bất hạnh trong gia đình. Đa số vẫn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến gia đình có NKT là do số phận hoặc đó là người phải gánh chịu việc làm sai trái từ các thành viên khác trong gia đình trước đó. Mặt khác, chính bản thân NKT vẫn còn tự kỉ ám thị và cho rằng mình là “sản phẩm” dư thừa trong xã hội…
Thách thức lớn nhất của việc mở cánh cửa tạo điều kiện cho NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến NKT hiện nay là thay đổi thái độ và cách nhìn tiêu cực của xã hội về NKT. Theo Ts. Khuất Thu Hồng, việc thay đổi thái độ xã hội là một việc làm rất khó bởi những quan niệm này đã ăn sâu vào đời sống người dân. Tuy nhiên khó không có nghĩa là chúng ta không thể làm được, nhất là trong xã hội ngày nay khi cái nhìn trước các quan niệm truyền thống ngày càng thoáng hơn. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách pháp lý trợ giúp NKT trên mọi lĩnh vực: giáo dục, y tế, việc làm, dịch vụ công cộng… cũng hết sức quan trọng bởi sẽ tạo môi trường bình đẳng, phù hợp giúp NKT tích cực hòa nhập vào các hoạt động cộng đồng như tất cả mọi người. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao đời sống kinh tế, giúp NKT tự vươn lên khẳng định khả năng của mình trong cuộc sống. Nhà nước và xã hội nên hỗ trợ toàn diện chứ không nên hỗ trợ mang tính từ thiện tức là nên cho họ cái cần câu mà không phải là con cá bởi vì hỗ trợ từ thiện chỉ làm cho NKT trở nên phụ thuộc nhiều hơn mà thôi. Điều đặc biệt quan trọng xuất phát từ chính bản thân NKT phải nỗ lực vươn, chỉ xem sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội như là chất xúc tác có như vậy tranh thủ được sự trợ giúp đồng thời thay đổi cách nhìn từ xã hội.
N.Lê