Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Lão thành cách mạng Nguyễn Anh Đào |
Ngày 24/8/1945, ông theo đoàn biểu tình của nhân dân huyện Cam Lộ tiến vào huyện đường, buộc quan triều đình đem toàn bộ tài liệu và ấn kiếm nộp cho cán bộ khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ông Đào cho biết: “Đó là một sự kiện không thể nào quên. Nhân dân nhiều làng, xã thuộc huyện Cam Lộ đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền. Lúc đó mới 14 tuổi, nhưng tôi đã cảm nhận được ý nghĩa quan trọng của sự kiện này. Cuộc đời của tôi và nhiều người dân khác bước sang một trang mới”.
Hưởng độc lập chưa được bao lâu, quân Pháp tấn công dọc Đường 9 Khe Sanh, Lao Bảo, xây dựng đồn bốt khắp nơi trong tỉnh Quảng Trị, ông Đào đã cùng với dân quân du kích chắc tay súng bảo vệ làng mạc.
Từ năm 1953-1968, người thanh niên Nguyễn Anh Đào lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ-ngụy tại nhiều chiến trường ác liệt như Đường 9 Khe Sanh, Lao Bảo, Trị Thiên…
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông cùng nhiều đồng chí khác thường xuyên phải đối diện với cảnh đói cơm, thiếu áo, chân không giày dép hành quân ngày đêm, lên rừng rồi xuống đồng bằng. Các cứ điểm thường xuyên hoạt động là vùng rừng núi phía tây, các huyện đồng bằng (Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy…) và đầm phá thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Nhiều lần tham gia đánh địch ở vùng đồng bằng, ông cùng nhiều chiến sĩ trong đơn vị bị quân địch bao vây bốn phía, nhưng nhờ nhân dân che giấu, nên lực lượng cách mạng được an toàn, rút quân lên rừng củng cố lực lượng.
“Quá trình hoạt động gặp bộn bề gian khó và hiểm nguy, thậm chí có thời điểm tình hình cách mạng miền Nam hết sức gay go, ác liệt, song chúng tôi vẫn một lòng tin tưởng vào lực lượng quân giải phóng, theo cách mạng, theo Bác Hồ”, ông nói.
Ngày 28/9/1968, do thất bại liên tiếp trên chiến trường, quân Mỹ-ngụy càn quét truy lùng ráo riết cán bộ cách mạng. Địch tập trung quân đổ bộ xuống xã Phú An, huyện Phú Vang (gồm một lữ đoàn kỵ binh bay lính Mỹ, trung đoàn 54 quân ngụy) tổ chức càn quét lùng sục săn tìm hầm bí mật của cán bộ và du kích cơ sở.
Tại đây quân địch phát hiện hầm bí mật nơi ông Đào ẩn nấp, ông bị bắt, sau đó bị đưa vào giam ở nhà lao Huế và Non Nước. Ông bị đánh đập, tra khảo thông tin, mua chuộc bằng nhà cao cửa rộng, nhưng ông vẫn vững vàng tư tưởng, không phản bội Đảng và nhân dân.
Sau đó địch chuyển ông vào Phú Quốc. Tại trại giam Phú Quốc, ông đã vượt qua nhiều hình thức tra tấn dã man của quân địch để tiếp tục hoạt động cách mạng trong nhà tù, đảm nhiệm công tác tuyên huấn, giáo dục tư tưởng chính trị, đấu tranh với kẻ thù, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, đồng thời tìm cách vượt ngục.
Ngày Bác Hồ qua đời, ngay trong trại giam Phú Quốc, ông đã báo tin cho các đồng chí trong nhà lao tổ chức để tang Bác bằng cách không chơi cờ, không ca hát.
Hơn 5 năm ở trại giam Phú Quốc, ông cùng các đồng chí trong Đảng ủy nhà tù nhiều lần tổ chức vượt ngục nhưng không thành công. Không nản lòng, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Anh Đào vẫn tích cực nắm bắt thông tin từ bên ngoài về tình hình quân ta chiến thắng ở chiến trường, về Hội nghị Paris để cung cấp cho anh em trong trại giam, củng cố lòng tin vào Đảng, tin tưởng cách mạng sẽ thắng lợi.
Tháng 3/1973, quân giải phóng giành chiến thắng lớn ở chiến trường miền Nam, ông và hàng vạn tù binh ở trại giam Phú Quốc được trao trả về vùng giải phóng.
Về với quê hương sau một thời gian dài bị giam cầm trong nhà lao, người cựu tù trại giam Phú Quốc cho biết ông càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Không có gì quý hơn độc lập tự do; càng vui sướng hơn khi nhìn thấy lá cờ nửa xanh nửa đỏ giữa có ngôi sao vàng tung bay trên vùng đất giải phóng.
Sau khi về với quân đội, với nhân dân, ông cùng với đồng chí Nguyễn Thành Chung, Bí thư Đảng ủy trại giam Phú Quốc (quê ở Quảng Nam) được cấp trên tin tưởng giao viết đúc kết rút kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng và hoạt động, cũng như tổ chức các cuộc đấu tranh giành thắng lợi trong nhà lao của địch. Tháng 3/1975, ông tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thành phố Huế.
Nhìn lại những năm tháng đất nước chuyển mình đầy cơ cực, đặc biệt là từ sau Cách mạng tháng Tám, người cựu tù Phú Quốc chia sẻ: Từ trong bóng tối của đau thương, nghèo khó, đất nước chúng ta đã bước tới ánh sáng của niềm tin và hy vọng bằng chính tinh thần cách mạng, ý chí kiên cường.
Ông muốn thế hệ trẻ cần trân trọng giá trị cuộc sống hôm nay, ra sức học tập, rèn luyện, góp sức xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, xứng đáng với truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.
Thế Phong