• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Gian nan quản lý, vận hành lưới điện truyền tải miền biên viễn

(Chinhphu.vn) - Hệ thống lưới điện truyền tải tại các tỉnh miền núi phía bắc chủ yếu đi qua các vùng núi cao, rừng sâu, đồi núi hiểm trở, việc đi lại rất khó khăn nhưng những "người lính truyền tải" điện ở đây đã vượt qua gian nan, vất vả, bám dân, bám từng trụ điện để công tác quản lý, vận hành cung cấp điện an toàn, liên tục, thông suốt đến nhân dân.

24/03/2021 17:00

Khó khăn muôn vàn

Lưới điện truyền tải mà Truyền tải điện Đông Bắc 3 quản lý chủ yếu đi trên địa hình rừng núi hiểm trở. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Là một đơn vị thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 3, Đội Truyền tải điện Bảo Lạc (Cao Bằng) phải quản lý 2 tuyến đường dây 220 kV mạch kép với gần 72 km đường dây và 147 vị trí cột nằm trên địa hình núi non hiểm trở thuộc địa phận 4 xã của huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, 3 xã của huyện Bảo Lâm và 8 xã cùng 1 thị trấn của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Với số lượng các hạng mục phải quản lý nhiều như vậy nhưng cả đội chỉ vỏn vẹn có 10 người. Làm phép tính số học đơn giản, tính ra mỗi người phải phụ trách hơn 14 vị trí cột và 7 km đường dây.

Truyền tải điện Đông Bắc 3 là đơn vị có khối lượng quản lý, vận hành đường dây đứng đầu trong 33 Truyền tải điện khu vực và đứng thứ 3 về  trạm biến áp với 1369,5 km đường dây 220 kV và 248,5 km đường dây 500 kV, trải dài trên địa bàn 10 tỉnh là Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội). 
Chia sẻ về những khó khăn trong quản lý, vận hành đường dây mà Đội Truyền tải điện Bảo Lạc quản lý, công nhân đã có thâm niên 10 năm gắn bó với tuyến đường dây Lãnh Văn Thức, người dân tộc Tày, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, cho biết: Từ trụ sở Đội đến điểm xa nhất là vị trí 1A đường dây Thủy điện Nho Quế 3-Cao Bằng dài hơn 40 km hay điểm cao nhất là vị trí 115 nằm trên độ cao gần 1.200 m so với mực nước biển. Các anh phải di chuyển mất 5 tiếng đồng hồ bằng xe máy, rồi tiếp tục cuốc bộ xuyên rừng, vượt đèo dốc thêm 1,5 tiếng nữa mới vào đến hiện trường. Tính ra, nếu đi từ lúc trời mới tảng sáng thì vào đến nơi cũng đã giữa trưa. Đấy là những hôm thời tiết thuận lợi và anh em chỉ cần mang theo trang thiết bị gọn nhẹ, còn những ngày trời mưa hay sương mù và phải mang vác theo nhiều đồ đạc thì mất cả ngày trời mới đến nơi. Những hôm như thế, anh em lại phải dựng lán ở tạm để đợi hôm sau mới tiến hành công việc được. Tính cả thời gian đi về, có khi mất gần một tuần.

Đã quá quen với cung đường hiểm trở khi kiểm tra tuyến đường dây và các vị trí cột, anh Nông Bế Viên cho biết:  Di chuyển bằng ô tô với địa hình này cũng phải mất một buổi sáng. “Đánh vật với con "trâu sắt" đưa anh em và thiết bị vào đến vị trí tập kết, hai tay vần vô lăng của tôi mỏi rã rời”.

Vấn đề lực lượng mỏng cũng là một thách thức lớn đặt ra cho các đơn vị truyền tải. Đơn cử, tổ thao tác lưu động Bảo Lâm hiện quản lý trạm biến áp 220 kV Bảo Lâm, nằm trên địa bàn thôn Nà Mạt, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. TBA này đã chính thức được đưa vào thao tác xa và vận hành ở chế độ bán người trực với biên chế 5 người. Ngoài công tác quản lý vận hành, Tổ còn phải thực hiện nhiều công việc khác như vệ sinh thiết bị, xử lý các khiếm khuyết nhỏ trong vận hành, xử lý ngăn ngừa phát nhiệt, tháo lắp đầu cốt phục vụ thí nghiệm định kỳ và các công tác khác.

Tổ trưởng Nông Đức Luân cho biết, với biên chế 5 người, nếu phải tái lập ca trực với 3 ca, 3 kíp liên tiếp trở lên, mỗi ca/kíp tối thiểu 2 người, thì Tổ sẽ không đủ người để bảo đảm công việc theo quy định. Thực tế, từ năm 2020 đến tháng 3/2021, Tổ đã phải tái lập ca trực 6 lần, khi tiến hành sửa chữa tuyến cáp quang, do mất kết nối scada, hotline cải tạo truyền dẫn quang, cài đặt hệ thống an ninh, an toàn hệ thống thông tin trên máy tính trạm và phục vụ thí nghiệm định kỳ…

Kiểm tra vị trí cột trên một đỉnh núi cao. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Ngoài vấn đề địa hình gây phức tạp và lực lượng mỏng, một thách thức nữa mà Đội truyền tải điện Bảo Lạc phải khắc phục suốt nhiều năm qua là vấn đề bất đồng ngôn ngữ khiến công tác tuyên truyền, vận động đồng bào trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, ngoài Đội trưởng Hoàng Văn Thức là dân tộc Tày, chỉ có 2 công nhân nữa là người địa phương biết tiếng Tày để có thể "phiên dịch" việc tuyên truyền, vận động đồng bào không đốt nương, làm rẫy trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện truyền tải. Trong khi đó, trên địa bàn còn có bà con dân tộc Mông, Lô Lô, Sán Chỉ, Dao...

Theo Kỹ sư Hoàng Văn Thức, Đội trưởng Đội truyền tải điện Bảo Lạc, đối với đồng bào các dân tộc không biết tiếng Tày, để khắc phục những khó khăn về “rào cản” ngôn ngữ trong công tác tuyên truyền, vận động, các anh đã đến từng bản làng người Mông, Lô Lô, Sán Chỉ, Dao trực tiếp gặp những người có uy tín trong cộng đồng như trưởng thôn, trưởng bản để nhờ họ giúp đỡ, cùng phối hợp tuyên truyền, vận động bà con trong thôn bản góp sức bảo đảm an toàn hành lang lưới điện truyền tải, bảo vệ hệ thống lưới điện. “Mưa dầm thấm lâu”, khi bà con đã nhận thức, đã hiểu được hậu quả của những sinh hoạt làm ảnh hưởng đến an toàn hành lang lưới điện truyền tải, bà con thực hiện tốt hơn.

Đấy là chưa nói đến những khó khăn chủ quan của những người thợ điện nơi đây khi tất cả đều phải công tác xa nhà. Người gần nhất nhà cách trạm 160km, xa nhất cách 350km, các tuyến xe đi về qua trạm rất ít và bất tiện trong khi công việc lúc nào cũng đòi hỏi anh em phải có mặt tại trạm nên nhiều người hàng tháng trời biền biệt xa gia đình, vợ con và phải phó thác trách nhiệm “trụ cột gia đình” cho những người vợ của mình.

Nguy cơ từ những… cánh diều

Đã từng xảy ra sự cố lưới điện truyền tải do hành vi thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện truyền tải. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Nếu như ở nhiều khu vực của tỉnh Cao Bằng chỉ có người dân tộc thiểu số sinh sống, việc đốt nương làm rẫy vẫn thường xuyên diễn ra dẫn đến nguy cơ cháy rừng gây sự cố lên lưới điện, công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân về bảo vệ các công trình lưới điện còn thấp… thì ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nguy hiểm đe dọa đến an toàn đường dây, lưới điện lại đến từ những… cánh diều.

Theo ông Vũ Tất Thành, Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3, tại nhiều địa phương của Thái Nguyên, người dân không chỉ chơi thả diều ban ngày mà còn chơi cả ban đêm. Bà con thả và buộc diều trong khuôn viên nhà mình, có khi ngay trên nóc nhà và vào ban đêm nên rất khó phát hiện để kịp thời xử lý. Thậm chí, khi phát hiện, đội quản lý vận hành mời cả chính quyền địa phương, công an đi kiểm tra cùng nhưng chủ nhà cũng không mở cửa.

Ông Thành cho biết, thời gian trước người dân chỉ làm diều kích thước nhỏ, còn bây giờ, có con diều dài 4-5m, nhỏ cũng 2-3m. Dây diều bây giờ không chỉ bằng dây dù nữa mà bện bằng cả dây kim tuyến, dài đến hàng nghìn mét. Khi mắc vào đường dây, sẽ gây phóng điện, chập cháy, gián đoạn cung cấp điện và nguy hiểm cả đến tính mạng của chính người chơi.

Theo đơn vị quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhiều năm nay, trò chơi thả diều không chỉ lan rộng trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên mà ở nhiều tỉnh thành cũng có tục chơi diều, nhất là tại các lễ hội xuân.

Đã xảy ra những sự cố đáng tiếc do hành vi thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện truyền tải. Chẳng hạn, vào hồi 22h40 ngày 7/5/2020, tại khu vực xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra sự cố thả diều vướng vào đường dây 220 kV Hà Giang-Thái Nguyên gây mất điện trên diện rộng của 238.000 khách hàng tại thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai và thị xã Sông Công. Điều đáng nói là, với những vụ việc như thế này, các lực lượng chức năng của chính quyền địa phương cũng chỉ có thể xử phạt hành chính với mức 1.000.000 đồng, trong khi hậu quả và thiệt hại gây ra cho đơn vị và khách hàng là rất lớn.

Từ thực tế đã có nhiều vụ chập cháy, gây sự cố đường dây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn cung cấp điện, đại diện đơn vị quản lý, vận hành lưới điện đề xuất, kiến nghị cần chế tài xử phạt nghiêm hành vi này bởi mức phạt hiện nay vẫn còn nhẹ nên chưa đủ sức giáo dục, răn đe như vụ việc ở xóm Bàn Cờ nêu trên.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng ban An toàn Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, bày tỏ đồng tình với việc nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng tăng nặng khung hình phạt để đủ sức răn đe. Đồng thời, các đơn vị đứng chân trên địa bàn cần tăng cường tuyên truyền, vận động bà con về an toàn lưới điện.

Toàn Thắng