Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong những dòng hồi ký của mình trước khi qua đời (ngày19/1/2020), Nhà báo Dương Đức Quảng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin báo chí VPCP, nhớ lại: Trong nhiệm kỳ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, việc cung cấp thông tin cho báo chí không chỉ diễn ra tại các cuộc họp báo hằng tháng hoặc đột xuất của VPCP do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chủ trì mà còn diễn ra thường xuyên qua các cuộc gặp hằng tuần ở VPCP với đại diện của TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam - các cơ quan thông tin báo chí trực thuộc Chính phủ - và báo Nhân Dân để cung cấp thông tin về hoạt động của Chính phủ trong tuần cho báo chí.
Cố nhà báo Dương Đức Quảng (thứ hai bên trái) và đồng đội tại chiến trường Quảng-Đà 1972. |
Dù vậy, mong muốn có một tờ báo hoặc phương tiện truyền thông riêng của Chính phủ không chỉ là của VPCP mà còn là ý tưởng từ chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đề xuất của tôi với Bộ trưởng Lê Xuân Trinh ít lâu, trong một Tờ trình của VPCP, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bút phê giao VPCP nghiên cứu để có thể ra một bản tin của Chính phủ, giống như ở Liên Xô trước đây có một tờ báo riêng của Chính phủ.
Song ý tưởng này của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại gặp một số rào cản nên chưa trở thành hiện thực. Phải đến sau này, đến khi ông Lại Văn Cử lên làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thì ý tưởng này mới dần dần trở thành hiện thực. Một hôm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Lại Văn Cử gọi tôi lên phòng làm việc giao nhiệm vụ.
“Cụ Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đi họp Bộ Chính trị về gọi tớ lên làm việc. Cụ nói cuộc họp hôm nay do Tổng Bí thư Đỗ Mười chủ trì, có đủ các thành viên Bộ Chính trị, trong đó có anh Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư, anh Nguyễn Đức Bình, phụ trách công tác tư tưởng, có cả anh Hữu Thọ Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Cụ Sáu Dân đưa ý kiến Chính phủ cần có một tờ báo để chủ động và kịp thời đưa tin về hoạt động của Chính phủ, mọi người cơ bản đều nhất trí, kể cả Tổng Bí thư Đỗ Mười. Vì thế cụ Sáu Dân nói tớ giao cho Quảng soạn thảo ngay Đề án để ra một tờ báo của Chính phủ trình cụ Sáu Dân phê chuẩn”.
Nhà báo Dương Đức Quảng viết tiếp: Tôi báo cáo với Bộ trưởng Lại Văn Cử việc này khá phức tạp vì tôi biết ở thời điểm này chưa hẳn có nhiều cơ quan sẵn sàng ủng hộ. Đúng là sau đó, vì lý do hay có thể có một số ý kiến bàn khác nên ý tưởng này bị trì hoãn chưa triển khai được. Cuối cùng, điều gì cần đến ắt phải đến…
Một thời cơ mới để có thể ra đời một cơ quan thông tin báo chí của Chính phủ lại xuất hiện. Năm 1995, Việt Nam gia nhập Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo quy định chung của các nước thành viên, mỗi quốc gia tham gia Cộng đồng ASEAN đều phải có một ấn phẩm thông tin đưa tin về Cộng đồng và hoạt động của Chính phủ nước mình. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa Thông tin thành lập và quản lý Trang Thông tin Điện tử ASEAN-Việt Nam này. Sau mấy năm đầu hoạt động, đưa được một số thông tin chung về đất nước, con người Việt Nam, lịch sử, văn hóa và một số danh lam thắng cảnh của Việt Nam và một vài thông tin về hoạt động của Chính phủ Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN, Trang thông tin này gần như ngưng hoạt động, không có thêm thông tin gì mới, nhất là không cập nhật được các thông tin về hoạt động của Chính phủ trong Cộng đồng các nước ASEAN. Do đó, đến năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin đề nghị chuyển Trang Thông tin Điện tử ASEAN-Việt Nam về Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa Thông tin, giao cho VPCP tiếp nhận Trang Thông tin điện tử này.
Sau khi tiếp nhận Trang Thông tin Điện tử ASEAN-Việt Nam tôi nghĩ ngay đến việc nâng cấp và đổi tên Trang Thông tin Điện tử này thành Trang tin Điện tử của Chính phủ. Tôi đề xuất với Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao soạn thảo Đề án đổi tên và nâng cấp Trang tin này để trình Thủ tướng quyết định. Bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao đồng ý; giao cho tôi chủ trì cùng một nhóm cán bộ thuộc Trung tâm Thông tin Báo chí soạn thảo Đề án xây dựng Trang tin Điện tử của Chính phủ, soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trang tin điện tử của Chính phủ, soạn thảo công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép xuất bản Trang tin điện tử của Chính phủ trên Internet theo quy định của Luật Báo chí. Tờ trình kèm theo Đề án tổ chức Trang tin Điện tử của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ngày 7/11/2003. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 229/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Trang tin điện tử của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Các phóng viên, biên tập viên Báo điện tử Chính phủ (Cổng TTĐT Chính phủ) tác nghiệp tại họp báo Chính phủ thường kỳ, tháng 6/2019 |
Quyết định ghi rõ: "Trang tin điện tử của Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet (sau đây gọi là Website Chính phủ) là cơ quan thông tin của Chính phủ, cung cấp thông tin chính thức cho nhân dân trong nước và người nước ngoài về những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác của cả nước trên mạng Internet. Website Chính phủ là đầu mối kết nối hoạt động cung cấp thông tin qua Internet của cơ quan hành chính các cấp, hướng tới phục vụ triển khai hoạt động dịch vụ công về thông tin và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính phủ với nhân dân".
Thủ tướng cũng quyết định thành lập Ban chỉ đạo Website Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm Trưởng Ban; một Phó Chủ nhiệm VPCP làm Phó Trưởng Ban Thường trực; thành lập Ban biên tập, có Tổng biên tập, một số Phó Tổng biên tập và Ủy viên Ban biên tập (là cán bộ của VPCP và các bộ, ngành liên quan), ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP - Trưởng Ban chỉ đạo - ra quyết định thành lập Ban biên tập và bổ nhiệm lãnh đạo Ban biên tập.Huy Thắng
trích lại từ hồi ký của nhà báo Dương Đức Quảng