• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giao chỉ tiêu cấp sổ đỏ cho từng huyện, xã

(Chinhphu.vn) – Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát lại khối lượng tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; xác định đối tượng và địa bàn cần ưu tiên tập trung để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy, đảm bảo đến cuối năm 2013 cơ bản hoàn thành.

14/08/2013 17:04

Đầu năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất với UBND các tỉnh đạt mục tiêu phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu (đạt trên 85% diện tích các loại đất cần cấp giấy) ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với mục tiêu này thì trong năm 2013 cả nước cần cấp hơn 5,4 triệu giấy với tổng diện tích các loại đất chính khoảng 2,9 triệu ha.

Tuy nhiên, kết quả cấp giấy chứng nhận của cả nước trong 6 tháng qua vẫn còn thấp, đạt 21,6% về diện tích so với kế hoạch.

Nhận diện nguyên nhân chậm cấp giấy

Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, phần lớn các trường hợp còn lại chưa cấp Giấy chứng nhận đều không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm luật đất đai.

Trong đó, đất ở chủ yếu do mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công và  đô thị. Ví dụ, tại Hà Nội có 125.000 trường hợp và TP Hồ Chí Minh có 130.000 trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do sai phạm của chủ đầu tư dự án: Chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai nhưng đã xây dựng và bán nhà ở (chưa làm thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng dự án hoặc chuyển giao thực hiện dự án từ công ty mẹ sang công ty con không làm thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đất), chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai…

Đối với đất sản xuất nông nghiệp, chậm chủ yếu do tự khai hoang, lấn chiếm đất chưa sử dụng và đất lâm nghiệp để sản xuất nhưng chưa điều chính quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, điển hình như ở Đắc Nông có khoảng 63.000 ha, miền Đông Nam Bộ, các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nơi dân cư tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa và cây hàng năm khác sang đất trồng cây lâu năm không theo quy hoạch được duyệt.

Đối với đất lâm nghiệp, chậm chủ yếu là do chưa rà soát xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong các lâm trường quốc doanh. Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân nhưng không xác định nguồn vốn đầu tư trồng rừng nên chưa được gấp Giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chậm của nhiều địa phương là do kinh phí hạn chế. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng, theo mục tiêu đặt ra, nếu muốn đạt tỉ lệ cấp giấy trên 80% vào năm 2013 thì Lai Châu cần 240 tỷ đồng nhưng đến nay kinh phí được hỗ trợ và tự huy động mới được 40 tỷ. Không có kinh phí sẽ rất khó khăn vì Lai Châu là địa phương nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu lại cho rằng, khó nhất hiện nay là các loại đất người dân sử dụng từ năm 1993 đến trước năm 2014 nhưng không nằm trong qui hoạch. Theo quy định, loại đất này không được cấp giấy. Địa phương đang đề nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường cho cấp giấy, bởi nếu không cấp, khi tiến hành giải phóng mặt bằng, loại đất này vẫn phải đền bù giống như đất có cấp giấy.

Theo ông Hậu, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích kinh phí 30 tỷ đồng cho việc đo đạc bản đồ. Mục tiêu của địa phương là tới 30/9 sẽ  cơ bản hoàn thành mục tiêu ở 3 loại đất: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyên dùng.

Giao chỉ tiêu đến từng huyện, xã

Hiện tại, cả nước có 11 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính. Theo kinh nghiệm của các tỉnh này, để hoàn thành việc cấp giấy quan trọng nhất là thực hiện tốt khâu rà soát, xác định khối lượng tồn đọng và giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận cho từng huyện, xã thực hiện.

Theo chia sẻ của các địa phương, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với từng quận, huyện để trao đổi thống nhất giải pháp tổ chức cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ; đồng thời phối hợp với UBND quận, huyện chỉ đạo thực hiện.

Hàng tuần, bộ phận chuyên môn sẽ có báo cáo tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện để phối hợp chỉ đạo.

Đồng thời, rà soát, thống kê những thửa đất, những chủ sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn huyện (đến từng xã). UBND cấp huyện, xã cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất, công tác cấp giấy chứng nhận ở các huyện, thị xã, thành phố; công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận của các chủ sử dụng đất, của các doanh nghiệp thực hiện dự án phát triển nhà ở để bán trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, trong số 22 địa phương có kết quả cấp Giấy chứng nhận ở nhiều loại đất chính còn đạt thấp có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc cấp Giấy chứng nhận cho các thửa đất nông nghiệp được hai địa phương này làm tốt, vấn đề là tồn đọng nhiều căn hộ chung cư hoặc ở các khu đô thị mới

Theo phân tích của Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn đọng nhiều căn hộ chung cư, dự án khu đô thị chưa được cấp Giấy chứng nhận, trong đó có nhiều trường hợp người dân đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư chưa làm đủ thủ tục để có thể cấp Giấy chứng nhận, hoặc xây dựng không đúng thiết kế...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị với Chính phủ xem xét, đối với các hộ gia đình mua chung cư đã làm đủ nghĩa vụ tài chính, quá trình sử dụng không có vi phạm pháp luật thì cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, vẫn phải có chế tài để chủ đầu tư làm nghĩa vụ tài chính đầy đủ.

Thu Cúc