• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giáo sư Đại học Fulbright: Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh trong năm 2025

(Chinhphu.vn) - Theo Giáo sư, Tiến sĩ Jonathan R. Pincus thuộc Trường Đại học Fulbright Việt Nam, các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh trong năm 2025 và tiềm năng tăng trưởng đáng kể nằm ở lĩnh vực lắp ráp, kiểm định và đóng gói chất bán dẫn nhờ nhu cầu chip toàn cầu gia tăng.

15/02/2025 17:25
Giáo sư Đại học Fulbright: Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh trong năm 2025- Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Jonathan R. Pincus - Ảnh: VGP

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Jonathan R. Pincus cho rằng, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7,1% trong năm 2024, vượt xa dự báo từ 6,2-6,5%, đây là một thành tích xuất sắc, nhờ vào xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho tăng trưởng kinh tế đạt 8% vào năm 2025, cùng với hy vọng tiếp tục đà tăng trưởng từ năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế trong nước và nước ngoài đều nhận định cho mức tăng trưởng khoảng 6,5% do một số trở ngại tiềm ẩn có thể dẫn đến chậm lại phát triển kinh tế so với năm ngoái.

Theo đó, nhu cầu xuất khẩu là thách thức chính đối với Việt Năm trong năm nay do tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Hoa Kỳ sẽ kìm hãm đà bùng nổ xuất khẩu mà Việt Nam đã hưởng lợi trong năm 2024.

Tốc độ tăng trưởng dường như chậm lại do việc bổ sung hàng tồn kho chiếm một phần đáng kể trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái. Hơn nữa, một số lô hàng xuất khẩu đã được "đẩy sớm" vào năm 2024 để tránh nguy cơ bị áp thuế từ các chính sách sắp tới của chính quyền Tổng thống Trump.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, và xu hướng này có khả năng tiếp tục trong tương lai gần.

"Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc và Mexico sang Hoa Kỳ, do hai nước này bị áp thuế cao hơn. Ngay cả khi Hoa Kỳ áp thuế đối với Việt Nam, miễn là mức thuế này thấp hơn so với thuế áp lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc và Mexico, Việt Nam vẫn sẽ có lợi", Giáo sư Trường Đại học Fulbright nhận định.

Theo ông Jonathan R. Pincus, bên cạnh xuất khẩu, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng sẽ là một yếu tố quan trọng khác. Khi ngày càng hội nhập vào các hệ thống sản xuất của Đông Á, Việt Nam cần đầu tư vào giao thông, logistics, năng lượng tái tạo và số hóa. Một làn sóng đầu tư lớn sẽ giúp nâng cao tiềm năng tăng trưởng và hỗ trợ tăng năng suất.

Tăng trưởng nhu cầu trong nước vẫn yếu kể từ sau đại dịch, do các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc giảm nợ và tái tích lũy khoản tiết kiệm đã mất trong giai đoạn đó. Bảng cân đối tài chính yếu kém của các hộ gia đình cũng cản trở sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản, vốn vẫn đang chịu ảnh hưởng từ vụ án liên quan tới ngân hàng và thị trường vốn năm 2022. Các công ty phát triển bất động sản vẫn đang gánh nặng nợ cao, điều này tiếp tục kìm hãm sự phục hồi đầu tư.

Động lực kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2025

Đề cập tới những động lực kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2025, ông Jonathan R. Pincus cho rằng, sản xuất xuất khẩu vẫn là động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong các ngành điện tử, máy móc và dệt may. Các doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu, và làn sóng FDI đang tiếp tục gia tăng sẽ hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2025.

"Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự tái phân bổ thương mại khi Mỹ và các nước khác giảm phụ thuộc vào nguồn hàng từ Trung Quốc, đồng thời các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sản xuất sang Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng", Giáo sư kinh tế Trường Đại học Fulbright chia sẻ.

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ có kế hoạch hoàn thành thêm 1.000 km đường cao tốc và thực hiện các khoản đầu tư khác nhằm cải thiện kết nối, bao gồm xây dựng một sân bay mới tại TPHCM và mở rộng sân bay Hà Nội. Dự án xây dựng đường sắt cao tốc có thể đẩy mạnh chi tiêu cho hạ tầng. Duy trì tỉ lệ giải ngân đầu tư công cao và ưu tiên các dự án quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế sẽ là những mục tiêu chính sách then chốt.

Chính phủ cũng đã công bố các biện pháp kích thích thị trường bất động sản, thông qua các chính sách như đẩy nhanh quy trình phê duyệt, cải cách pháp lý theo Luật Đất đai mới nhằm giảm bớt rủi ro pháp lý và mở rộng nguồn cung đất đai cho phát triển. Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn có thể hỗ trợ kích thích lĩnh vực này, nhưng chỉ khi áp lực lạm phát không quay trở lại.

Thách thức và cơ hội đan xen cho kinh tế Việt Nam

Ông Jonathan R. Pincus nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới về lắp ráp trong các ngành điện tử, máy móc và dệt may. Dòng vốn FDI vào các ngành này đã tạo ra hàng triệu việc làm và mang lại nguồn ngoại tệ cần thiết để Việt Nam nhập khẩu hàng hóa và công nghệ thiết yếu.

Tuy nhiên, tác động lan tỏa kỳ vọng từ hoạt động lắp ráp sang các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự diễn ra. Xuất khẩu của Việt Nam có mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu cao nhất trong khu vực, với hơn một nửa giá trị xuất khẩu dành cho nhập khẩu. Trong một số ngành, như điện thoại di động, tỉ lệ này lên tới 85%. Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu, phản ánh cả thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài lẫn năng lực xuất khẩu còn yếu của các doanh nghiệp trong nước.

Hiệu ứng lan tỏa không diễn ra một cách tự động. Các doanh nghiệp nước ngoài không có nhiều động lực để nội địa hóa sản xuất linh kiện và nguyên liệu đầu vào. Kinh nghiệm từ các nước Đông Á khác cho thấy rằng sự hiện diện của các doanh nghiệp trong nước có quy mô đủ lớn và năng lực hấp thụ công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài là một yếu tố quan trọng.

Cấu trúc công nghiệp của Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng "thiếu tầng trung" với rất ít doanh nghiệp quy mô lớn, trong khi có hàng triệu hộ kinh doanh siêu nhỏ. Ngay cả các tập đoàn lớn trong nước cũng chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, kiếm lợi nhuận từ bất động sản, tài chính và bán lẻ. Điều còn thiếu trong bức tranh này là các doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa và lớn có định hướng xuất khẩu.

Việt Nam mới chỉ chi một khoản tương đối nhỏ cho giáo dục đại học và nghiên cứu & phát triển (R&D). Việc các trường đại học, cả công lập và tư thục, phải tự chủ tài chính đã kìm hãm sự phát triển của hệ thống giáo dục. Điều này khiến các trường không đủ nguồn lực để thu hút nhân tài hàng đầu hoặc xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Hệ thống đại học và nghiên cứu yếu kém đã cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước suốt nhiều năm qua.

Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn khác. Là một quốc gia ven biển với hai đồng bằng rộng lớn, Việt Nam nằm trong nhóm các nước dễ bị tổn thương nhất trước nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội và đào tạo nghề, khi hàng triệu lao động phải di dời và tìm kiếm việc làm mới.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác động nặng nề nhất, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu càng trầm trọng hơn bởi các đập thủy điện thượng nguồn, khai thác cát và khai thác nước ngầm. Việc quản lý dòng di cư ra khỏi đồng bằng và chuyển đổi từ canh tác lúa thâm canh sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thích ứng.

Theo Giáo sư Trường Đại học Fulbright, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vừa là cơ hội vừa là thách thức. Cơ hội nằm ở việc Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió và mặt trời dồi dào, có thể tận dụng để cung cấp năng lượng cho sản xuất, nâng cao vị thế của đất nước như một trung tâm sản xuất xanh. Sự gia tăng nhu cầu năng lượng sạch cũng có thể thúc đẩy ngành sản xuất tấm pin mặt trời, turbin gió và các thiết bị liên quan, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.

Thách thức đến từ các chính sách thương mại xanh ngày càng khắt khe, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu (EU), nơi sẽ dần áp dụng các hạn chế thương mại đối với hàng hóa được sản xuất bằng năng lượng không tái tạo. Nếu Việt Nam chậm trễ trong việc chuyển đổi từ than sang điện gió và điện mặt trời, xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực./.

Giáo sư, Tiến sĩ Jonathan R. Pincus, nguyên Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, hiện đang là Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Giảng viên, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Thùy Dung