• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giao thông kết nối, đánh thức tiềm năng đất “chín Rồng”

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiểu được rằng ĐBSCL rất cần hạ tầng giao thông kết nối, Bộ GTVT đã đưa vào kế hoạch nhiều tuyến đường, nhiều công trình từ rất sớm như cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, đến nay mới có một số công trình giao thông mang tính chất đột phá được xây dựng cho khu vực này, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng khu vực.

12/03/2021 12:45
Cầu Vàm Cống là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An-Rạch Sỏi, thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía tây. Ảnh: VGP/Huy Hùng
 
Động lực phát triển kinh tế
 
Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2011-2020, ngành giao thông đã dành nhiều nguồn lực để hoàn thành đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL và đưa vào khai thác.
 
Cụ thể, hoàn thành một số cầu lớn trên các tuyến quốc lộ (QL), như Cao Lãnh, Vàm Cống, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Mỹ Lợi… rút ngắn, tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng kết nối bằng đường bộ đến Đông Nam Bộ.
 
Từng bước hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh (tuyến N2) trong vùng, song hành, hỗ trợ cho QL1 (đoạn Cao Lãnh-Vàm Cống, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi); nâng cấp, mở rộng một số tuyến QL. Hoàn thành đầu tư một số tuyến liên kết nội vùng, liên vùng mới, như hành lang ven biển phía nam kết nối Cà Mau với Campuchia, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp…
 
Hoàn thành dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy TPHCM-Kiên Giang và TPHCM-Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp III cho tàu 600-800 tấn. Các nút thắt về vận tải thủy nội địa trong vùng bước đầu được tháo gỡ như nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đạt cấp II hạn chế (cho tàu trọng tải 800-1.000 tấn); đưa vào khai thác âu Rạch Chanh (tàu trọng tải dưới 1.000 tấn lưu thông), góp phần nâng cao năng lực vận tải thủy của vùng, đảm bảo kết nối giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với TPHCM để tăng thị phần vận tải, phát huy lợi thế sông nước của vùng. Hoàn thành luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn giảm tải...
 
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian vừa qua, mặc dù khu vực ĐBSCL vẫn chưa bổ sung được nhiều công trình giao thông lớn, nhưng diện mạo hạ tầng khu vực cũng đã có nhiều dự án mang tính đột phá, giúp cải thiện được tình hình giao thông so với trước đây.
 
“Cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống được hoàn thành là 2 trong số những cây cầu lớn nhất khu vực ĐBSCL, kết nối Cao Lãnh đến Kiên Giang. Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dự kiến sẽ thảm nhựa và khai thác trong năm nay. Cầu Mỹ Thuận 2 cũng sẽ được hoàn thành trong năm 2023. Một trong những tuyến cao tốc quan trọng nhất của vùng là cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ sẽ cố gắng thúc đẩy để khánh thành vào năm 2022 như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ; và Bộ GTVT sớm khởi công tuyến tránh Long Xuyên”, Bộ trưởng cho biết.
 
Tuy nhiên, tư lệnh ngành giao thông cũng nhìn nhận, qua đánh giá tình hình hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, có thể thấy hệ thống giao thông vùng ĐBSCL còn yếu kém và đang cản trở sự phát triển của cả khu vực.
 
“Việc xây dựng quy hoạch giao thông vùng, bổ sung thêm 7 tuyến cao tốc vào quy hoạch trong thời gian tới là quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Nếu không có đường cao tốc thì vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ khó khăn. Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rất mong được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ủng hộ để hình thành nên hệ thống giao thông vận tải ở khu vực ĐBSCL. Có như vậy mới đánh thức được tiềm năng, phát huy được thế mạnh của khu vực này để phát triển tốt hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng chia sẻ.
 
Tập trung vào những dự án giao thông đột phá
 
“Theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và cũng là lời hứa của ngành giao thông với nhân dân, trong nhiệm kỳ 2021-2025, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung vào một số dự án giao thông mang tính chất đột phá cho vùng và cố gắng hoàn thành các dự án đó trong 1 nhiệm kỳ để có sản phẩm cụ thể cho khu vực ĐBSCL”, Bộ trưởng cho biết.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.272 tỷ đồng, bao gồm các đoạn: Cần Thơ-Cà Mau, Chơn Thành-Đức Hòa, Đức Hòa-Mỹ An, Mỹ An-Cao Lãnh, An Hữu-Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh), Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu.
 
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông và phía tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía nam (Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên, Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km.
 
Về tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên, Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.
 
Để có cơ sở triển khai huy động vốn, từng bước đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc nêu trên, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030, đồng thời bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ xây dựng một cảng biển nước sâu ở ĐBSCL. Cảng được xây dựng tại khu vực cửa Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cách bờ khoảng 16 km, hàng hóa được đưa từ đất liền ra cảng bằng cầu, khi đó tàu có trọng tải đến 100.000 tấn hoạt động được mà không cần nạo vét, tránh được tình trạng nước cạn.
 
Ảnh: VGP/Huy Hùng
Bức tranh 7 tuyến cao tốc thay đổi diện mạo ĐBSCL
 
Còn nhớ, cuối tháng 12/2020, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận chính thức thông tuyến, sẵn sàng đón xe, người dân miền Tây trong dịp Tết 2021. Có thể thấy, niềm hy vọng kéo dài hơn 10 năm của người dân ĐBSCL (kể từ khi khởi công 2009) đã thành hiện thực khi cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ cho thông xe tạm để "chia lửa" với QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang vốn đã bị quá tải trong nhiều năm.

Dù thời gian thông xe chính thức vẫn còn hơn 1 năm nữa, nhưng vào thời điểm lượng xe trên trục đường từ TPHCM-miền Tây rất đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe thì việc thông xe tạm tuyến cao tốc có ý nghĩa rất lớn với hơn 20 triệu người dân miền Tây.

Tiếp đó, ngày 4/1, tại tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát lệnh khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. Chiều dài dự án gần 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp. Dự án được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án 4.826 tỷ đồng với thời gian thi công 2 năm.

Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến TPHCM-Trung Lương, Trung Lương-Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TPHCM đi Cần Thơ. Thời gian đi từ TPHCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 giờ so với 3-4 giờ hiện nay trong điều kiện không kẹt xe, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên QL1.

Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau được Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ-Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn đoạn Bạc Liêu-Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021-2025.
 
Đây là một trong hai cao tốc trục dọc ở ĐBSCL sẽ đấu nối hai trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn...
 
Tuyến cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi cũng đã được thông xe ngày 12/1/2021 vừa qua.

Tuyến đường dài hơn 51 km, rộng 17 m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tuyến đường này sẽ kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến “cao tốc Bắc-Nam phía tây” vùng ĐBSCL.
 
"Cao tốc Bắc-Nam phía tây" sẽ kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TPHCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và mũi Cà Mau mà không phải qua QL1A, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
 
Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh dài 26 km, rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ. Tuyến Mỹ An-Cao Lãnh sẽ kết nối đường từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi qua tỉnh Đồng Tháp, TP. Cần Thơ và Kiên Giang góp phần tạo thành trục “cao tốc Bắc-Nam phía tây” dài hơn 130 km.
 
Tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 155 km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.
 
Đây là một trong hai cao tốc trục ngang ở miền Tây. Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố. Trong đó đoạn An Giang gần 60 km, TP. Cần Thơ hơn 46 km, Hậu Giang hơn 23 km và Sóc Trăng 25,5 km. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm. Tuyến đường này sẽ kết nối với các trục dọc như QL1A, tuyến N1... từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng của các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.
 
Cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu dài 225 km. Điểm đầu từ TP. Hà Tiên đến TP. Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP. Bạc Liêu. Công trình tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ.
 
Cao tốc này sẽ kết nối với 2 cao tốc trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông (TPHCM-Trung Lương-Cần Thơ) và cao tốc Bắc-Nam phía tây (Bình Phước-TPHCM-Long An-Đồng Tháp-Cần Thơ- Kiên Giang).

Phan Trang