Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các giáo viên Việt Nam tự tin tham gia cuộc thi toàn cầu về ứng dụng công nghệ trong việc dạy học. |
Như thường lệ, trong tuần lễ tham dự, chuyên gia giáo dục từ các nước được chia thành các nhóm nhỏ ngẫu nhiên và thực hiện các chuyên đề “Chuyển đổi mô hình lớp học” nhờ công nghệ, áp dụng các kỹ năng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) để xử lý những thách thức giáo dục hiện đại và xây dựng hành trang thế kỷ 21 cho học sinh.
Tại Diễn đàn, giáo viên các nước được chia vào các nhóm 5 người thuộc 5 quốc gia khác nhau để cùng làm dự án trong vòng 24 giờ, được giao các đề tài ngẫu nhiên thuộc các chủ đề như dạy học dưới dạng trò chơi; tối ưu hóa công tác giảng dạy; chiến lược hóa phương pháp dạy học; kết nối việc học với thực tiễn; cá nhân hóa việc học.
Đại diện Việt Nam tham dự diễn đàn là các cô giáo Nguyễn Thị Liễu (Trường THCS Đức Trí, TPHCM); cô Trần Thị Thúy (Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên); cô Lê Thanh Hà (Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội); cô Trần Thị Quỳnh Anh (Trường THPT Trưng Vương, TPHCM) đã giành được nhiều giải thưởng trong các hạng mục thi đấu bao gồm cả giải đặc biệt.
Cụ thể, cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên và nhóm của mình đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm khác và giành giải thưởng chung cuộc - giải cao nhất tại Diễn đàn.
Trong một thử thách nhóm theo chủ đề, cô Lê Thanh Hà, giáo viên Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội cũng đã chứng minh được năng lực và sức sáng tạo của mình khi cùng nhóm giành giải nhất. Còn cô giáo Nguyễn Thị Liễu, Hiệu phó Trường THCS Đức Trí, TPHCM lần đầu tiên thử sức mình với cương vị người hướng dẫn và giám khảo quốc tế cũng được vinh danh với danh hiệu “Cá nhân xuất sắc”.
Giành chiến thắng trong hầu hết các hạng mục quan trọng tại một cuộc thi quốc tế với hơn 300 thí sinh từ 83 quốc gia, đoàn Việt Nam đã thể hiện được năng lực sáng tạo, kinh nghiệm và sự bền bỉ, cùng sự chuẩn bị cũng như những hỗ trợ tối ưu từ cộng đồng giáo viên cả nước để có thể thành công khi vươn mình so tài cùng bạn bè quốc tế, bao gồm cả những quốc gia có nền tảng giáo dục xuất sắc.
Các cô giáo tham dự Diễn đàn đều là những chuyên gia MIE, đã và đang thiết kế các giáo án và giảng dạy cho học sinh trên nền công nghệ Microsoft với mục tiêu “Chuyển đổi mô hình lớp học”. Các cô cũng như hàng nghìn thầy cô giáo Việt Nam đều có chung mơ ước, có thể sử dụng công nghệ, tích hợp các yếu tố STEM, giúp các em học sinh tiếp cận tốt hơn hành trang thế kỷ 21 thông qua các lớp học hiện đại.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay ngành giáo dục đang tích cực đổi mới căn bản toàn diện để có thể nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng mục tiêu xây dựng năng lực thế kỷ 21 cho nguồn nhân lực trong tương lai, phát triển bền vững đất nước.
Một trong những hoạt động được ngành quan tâm là tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn hoạt động giảng dạy, giáo dục của giáo viên và hoạt động quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách và thời gian tiếp cận, nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình học tập, đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học.
Những chương trình hợp tác cùng Microsoft trong hơn 10 năm qua là đòn bẩy hiệu quả, giúp phát triển năng lực giáo viên, cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại của Việt Nam.