• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giỗ trận Đống Đa-Hà Nội từ Tết Độc lập tới Tết Giải phóng

(Chinhphu.vn) - Người dân Việt Nam được hưởng cái Tết Độc lập đầu tiên, khi cả chế độ phong kiến và thực dân trên đất nước ta đã sụp đổ và Hà Nội đã trở thành Thủ đô, là Tết Bính Tuất (1946). Trong rất nhiểu đổi thay, có một ngày hội lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 5 Tết như một cuộc tưởng niệm chiến công của vị Hoàng đế anh hùng đã lập nên chiến công hiển hách 157 năm trước.

16/02/2021 07:43
Ảnh khai thác từ bộ sưu tầm của Devillers tặng Hội Sử học

Đó là lễ hội tưởng niệm trận quyết chiến chiến lược ở Ngọc Hồi-Đống Đa vào Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 của Nguyễn Huệ-Quang Trung, vị anh hùng áo vải đã thần tốc quét sạch quân xâm lược nhà Thanh khỏi Kinh thành Thăng Long, xác lập Triều đại Tây Sơn trên toàn lãnh thổ Đại Việt sạch bóng ngoại xâm.

Nhưng chỉ 3 năm sau (1802), với cái chết đột ngột của vị Hoàng đế anh hùng, Triều Tây Sơn cũng bị thế lực của Chúa Nguyễn Ánh đánh đổ để lập nên Triểu Nguyễn. Tất cả sự nghiệp của một triều đại từng có một vị hoàng đế hiển hách đánh bại cả 2 đạo quân xâm lược của Xiêm và Thanh, đặt nền tảng cho sự thống nhất quốc gia, bị xóa bỏ.

Trên địa bàn của chiến trường chống quân xâm lược nhà Thanh xưa, tương truyền 13 gò chất thây quân xâm lược này dồn về một gò duy nhất phủ bóng đa cho nên được gọi là Gò Đống Đa. Tại đó, chính viên thái thú nhà Thanh là Sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự vẫn khi thấy đạo quân của mình đã đại bại. Người đời sau, theo tập quán tín ngưỡng, lập miếu thờ viên tướng giặc và đám quân sĩ nay đã thành những cô hồn.

Kể từ đó, những người Hoa cư ngụ trong Thành Hà Nội (thời Nguyễn) thường đến cúng lễ đồng bang vào ngày diễn ra trận đánh năm xưa, nên lễ tiết này tại đây thường gọi là Giỗ Trận. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng, mặc dù triều Nguyễn vốn hận thù “không đội trời chung” với Nhà Tây Sơn nên không khi nào cho phép tưởng niệm những cựu thù của mình, nhưng dân chúng Hà thành vẫn tới nơi chôn cất các nghĩa sĩ Tây Sơn hy sinh trong trận đánh này tương truyền được quy tập kín đáo tại khu vực Kim Mã và thầm lặng tưởng niệm những đồng bào đã làm nên chiến công hiển hách năm xưa tại ngôi chùa Kim Sơn (cách đây không lâu, một tấm bia tưởng niệm các nghĩa sĩ Tây Sơn đã được dựng trong khuôn viên của ngôi chùa này). Chùa ở không xa chiến trường xưa nên dân chúng Việt Nam cũng đến Gò Đống Đa để nhớ lại chiến trường và chiến công xưa.

Ảnh khai thác từ bộ sưu tầm của Devillers tặng Hội Sử học

Từ cuối thế kỷ XIX, thời Pháp đã bảo hộ, một ngôi đền (cũng gọi là miếu) mang tên “Trung Liệt” đã được một số vị quan và nhân sĩ còn nặng lòng với nước dựng trên lưng gò thờ một số nhân vật có công với nước và với triều Nguyễn. Ở Thăng Long, thời Lê từng dựng Đền Trung Liệt gần Văn Miếu (phố Nguyễn Khuyến) để thờ đại công thần đã “liều mình cứu chúa” là Lê Lai. Còn đền thờ Trung Liệt ở Đống Đa thờ 2 vị Tổng đốc đã tử tiết với Thành Hà Nội bị Pháp đánh là Nguyễn Tri Phương (cùng con là Nguyễn Lâm) và Hoàng Diệu cùng Nguyễn Cao, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ. Vì thế, quanh năm và vào ngày 5 Tết hằng năm… càng đông dân đến tưởng niệm các vị công thần triều Nguyễn và thờ vọng cả Quang Trung cùng các nghĩa sĩ Tây Sơn tại chiến trường xưa.

Phải đến sau ngày Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, người dân mới đứng ra tổ chức ngày Giỗ Trận với ý nghĩa Kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa của Hoàng đế Quang Trung.

Lần đầu tiên trong lịch sử người dân được bày tỏ công khai lòng ngưỡng mộ và tri ân tướng sĩ Tây Sơn và vị hoàng đế kiệt xuất vào ngày 5 Tết Bính Tuất (6/2/1946). Người đại diện chủ trì chính lễ là Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu.

Nhưng chỉ một năm sau, Tết Đinh Hợi (1947), Hà Nội đã chìm trong khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc. Những chiến sĩ quyết tử đã kiên cường chiến đấu giữ Thủ đô ngót 2 tháng, cầm chân quân giặc kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946), để Chính phủ và quân đội có thời gian củng cố lực lượng, xây dựng căn cứ địa cho cuộc trường kỳ kháng chiến.

Ảnh khai thác từ bộ sưu tầm của Devillers tặng Hội Sử học

Ngày Giỗ Trận năm đó, quân dân Hà Nội kỷ niệm người xưa chống ngoại xâm bằng việc noi gương người xưa chống giặc xâm lăng ngay tại chiến trường xưa. Trong bức thư gửi những chiến sĩ quyết tử nhân Tết Đinh Hợi, Bác Hồ có lời động viên cũng là biểu dương sâu sắc: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống muôn đời về sau…”.

Sau 2 tháng cầm chân giặc, các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây của giặc Pháp lên chiến khu cùng toàn dân trường kỳ kháng chiến với lời hẹn ước sẽ trở về trong niềm vinh quang chiến thắng.

Tám năm sau, Xuân Giáp Ngọ (1954), chiến dịch Đông-Xuân (1953-1954) mở, chiến trường Điện Biên Phủ đang chuẩn bị khai hỏa, tờ báo “Tin Sáng” rất  được nhiều người dân vùng tạm chiếm đọc, đăng trên trang bìa số báo Xuân bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương tả cảnh Đại quân Tây Sơn như vũ bão tiến vào giải phóng Thăng Long mùa Xuân Kỷ Dậu (1789). Chỉ có điều, họa sĩ vẽ Hoàng đế Quang Trung cưỡi trên chiến mã thay vì hình ảnh quen thuộc được sử sách mô tả là Ngài cưỡi trên lưng voi, và đặc biệt hơn, phía xa nơi Kinh thành Thăng Long lại hiện lên ngọn Cột Cờ vốn được xây sau này khi Triều Nguyễn đã đưa kinh đô vào Huế và đổi Thăng Long thành Hà Nội. Còn trên ngọn Cột Cờ Hà Nội ấy, giữa khói lửa mịt mùng, phấp phới bay một ngọn cờ hồng.

Người dân Hà Nội đang trong vùng tạm chiếm đã đón nhận số báo Xuân ấy bằng niềm hy vọng cũng là niềm tin, một ngày rất gần, quân ta sẽ thần tốc tiến vào giải phóng Hà Nội như câu chuyện lịch sử năm xưa…

Và ngày ấy đến vào Mùa Thu tháng 10/1954, để rồi người dân Hà Nội đón Xuân Ất Mùi 1955 trong không khí chiến thắng và giải phóng. Gò Đống Đa lại nối lại không khí 8 năm về trước. Lễ hội Đống Đa lại tưng bừng diễn ra trên Gò, lan ra tận Văn Miếu… Và tiếp nối cho đến hôm nay với Khu di tích Đống Đa đã có đền, có tượng ngày một khang trang, tạo nên một điểm son mỗi độ xuân về trên Thành phố Thủ đô đã rộng mở và đang vươn cao…

Xuân Tân Sửu

Dương Trung Quốc