Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
GS Mai Hồng Quỳ. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
GS. TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về nội dung của hội thảo này.
Xin giáo sư cho biết một số thông tin về hội thảo?
GS. TS Mai Hồng Quỳ: Vụ việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Trước tình hình đó, với tư cách là một trung tâm nghiên cứu, đào tạo luật, ĐH Luật TPHCM phối hợp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế: “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam” vào ngày 26/7 tới tại TPHCM.
Diễn giả tham gia hội thảo là các luật sư, luật gia, học giả có uy tín trong lĩnh vực luật pháp quốc tế.
Cho đến thời điểm này đã có khoảng 150 đại biểu xác nhận tham dự, trong đó có trên 30 học giả đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn của các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, liên minh châu Âu, ASEAN. Ngoài ra còn có các nhà nghiên cứu trong nước và đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam ngày 16/7 vừa qua có ảnh hưởng đến hội thảo không thưa giáo sư?
GS. TS Mai Hồng Quỳ: Chúng tôi nhận thấy rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một sự kiện đã xảy ra trong thực tế. Hành động của Trung Quốc rõ ràng đã tạo ra một tiền lệ xấu trong thực tiễn của quan hệ pháp luật quốc tế. Do đó, việc phân tích, đánh giá, xem xét vụ việc này từ góc độ pháp luật quốc tế có ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng.
Hội thảo này mang tính khoa học cao. Các học giả sẽ nghiên cứu, đánh giá không chỉ các quy định trong các văn bản pháp luật quốc tế nói riêng mà cả các luận thuyết của khoa học pháp lý nói chung. Đặc biệt, nhiều báo cáo tại hội thảo sẽ giới thiệu, phân tích kinh nghiệm của các nước trong việc giải quyết các sự việc tương tự, và điều đó theo tôi là cần thiết.
Xin giáo sư cho biết kỳ vọng của mình về kết quả hội thảo này?
GS. TS Mai Hồng Quỳ: Pháp luật quốc tế đặc biệt chú trọng đến các giải pháp hoà bình, các biện pháp chính trị, ngoại giao trong xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn quốc tế. Việc tổ chức hội thảo là nhằm phân tích, làm rõ các biện pháp chính trị, ngoại giao và pháp lý được quy định trong các văn bản luật pháp quốc tế để đưa ra các phương thức giải quyết những vấn đề pháp lý quốc tế phát sinh trên Biển Đông. Đặc biệt, các học giả tập trung nhiều vào việc nghiên cứu, phân tích sâu các biện pháp pháp lý, các khía cạnh của biện pháp mang tính tài phán trong luật quốc tế.
Việt Nam có quyền có một phán quyết công minh, công bằng thông qua các chế định tài phán quốc tế. Vấn đề là chúng ta sử dụng quyền ấy như thế nào để vẫn đảm bảo một môi trường ổn định, hòa bình cho đất nước phát triển. Quá trình chuẩn bị để thực hiện việc này phải được tiến hành một cách nghiêm túc. Việc nghiên cứu, tập hợp hồ sơ, nắm rõ kinh nghiệm xử lý cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các nước… là những điều kiện cần thiết.
Mềm mỏng, kiên quyết và kiên trì là quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, dù thế nào đi nữa, không ai, không quốc gia nào có thể coi thường luật pháp quốc tế, có thể quay lưng lại với chính nghĩa, nhất là chính nghĩa được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ủng hộ.
Cảm ơn Giáo sư!
Mạnh Hùng (thực hiện)