• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Giữ đất lúa - yêu cầu cấp thiết hiện nay

Tại Việt Nam, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng... diện tích đất canh tác hai vụ lúa nước (còn gọi là đất “hai lúa”), đang giảm đi nhanh chóng. Việc giữ được những “bờ xôi ruộng mật” đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay tại các địa phương.

17/02/2012 08:56
Nông dân nhiều tỉnh, thành phố tại ĐBSCL thu hoạch

lúa đông-xuân sớm. Ảnh: TTXVN.

Đất “hai lúa” giảm dần!


Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 2000-2010, diện tích đất trồng lúa cả nước giảm 269,5 nghìn héc-ta, giảm bình quân 0,86%/năm. Trong đó, thời kỳ giảm mạnh nhất là trong 5 năm 2000-2005 (giảm tới 302,5 nghìn héc-ta), bình quân mỗi năm giảm tới 60,5 nghìn héc-ta. Xu hướng giảm diện tích đất trồng lúa diễn ra ở hầu hết các vùng trong cả nước.

Phát triển kinh tế đất nước là quá trình gắn liền với nhịp điệu dựng xây công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng hạ tầng cơ sở... Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp “hãm phanh” kịp thời, quỹ đất nông nghiệp sẽ giảm một cách thiếu kiểm soát, ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia.


Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Việc giữ gìn diện tích đất trồng lúa là yêu cầu cấp thiết hiện nay, cần phải làm ngay và hết sức nghiêm túc. Trên thực tế, nhiều địa phương vừa mất đất, lại vừa lãng phí đất lúa. Đó là hệ quả của việc thực thi quản lý và sử dụng đất lúa ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương buông lỏng quản lý đất lúa và chưa xử lý nghiêm việc tự phát chuyển đổi đất lúa sang mục đích sử dụng khác. Trong đó, nhiều hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ tự phát chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản nước mặn… đã làm hao hụt và ảnh hưởng tới chất lượng đất trồng lúa.


Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, điều đáng lo ngại là tình trạng vi phạm quy định trong giao đất không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tình trạng quy hoạch chạy theo dự án còn phổ biến. Đáng chú ý, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước, bị bỏ hoang hóa, không sản xuất được do “quy hoạch treo”, do việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu đô thị mới… phân tán, manh mún, chưa tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được duyệt.


Thực tế trên đã dẫn đến mâu thuẫn, trong khi người nông dân đang thiếu đất sản xuất, thì nhiều diện tích đất dự án vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”!


Đất trồng lúa phải được bảo vệ nghiêm ngặt


Hiện dân số nước ta luôn tăng, nhưng đất trồng lúa lại tiếp tục giảm. Số lượng người tăng lên, ngoài rất nhiều vấn đề phải giải quyết, thì có việc phải lo chỗ ở. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đến đầu năm 2012, cả nước đang có khoảng 632 dự án khu đô thị mới, trong đó 80 dự án có quy mô đến 1000ha và 14 dự án có quy mô lớn hơn 1000ha. Dĩ nhiên, một diện tích rất lớn đất trồng lúa sẽ phải cắt cho các dự án này.


Còn theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, từ nay đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa tiếp tục phải chuyển cho các nhu cầu sử dụng khác, thấp nhất cũng vào khoảng hơn 293 nghìn héc-ta. Ngoài ra, dự kiến đất trồng lúa mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (nước biển dâng) đến năm 2020 là 5,72 nghìn héc-ta, năm 2030 là 19,87 nghìn héc-ta, chủ yếu tập trung ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đôn - Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, một chuyên gia về khai hoang đất nông nghiệp phân tích: Mặc dù mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, nhưng với tình hình và tập quán như hiện nay, lúc đó phần lớn nông dân vẫn chưa thể thoát ly khỏi sản xuất nông nghiệp được. Như vậy, cần phải giữ lại diện tích đất trồng lúa không chỉ là để bảo đảm an ninh lương thực mà là để ổn định xã hội, bảo đảm công ăn việc làm cho người nông dân. Bên cạnh đó, nếu đất trồng lúa tiếp tục giảm, đến năm 2020-2030, dân số nước ta có thể tăng lên tới 120 triệu người, chắc chắn không bảo đảm về lương thực.


Tính đến đầu năm 2011, diện tích đất trồng lúa trong cả nước là 4.120 nghìn héc-ta, trong đó diện tích đất sản xuất hai vụ lúa là 3.297,5 nghìn héc-ta. Tại kỳ họp thứ ba vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ giữ lại hơn 26,7 triệu héc-ta đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa là hơn 3,8 triệu héc-ta (đất chuyên trồng lúa nước hai vụ trở lên là hơn 3,2 triệu héc-ta).

(Nguồn: Bộ NN&PTNT)

Để giữ đất trồng lúa, thời gian qua, Bộ NN&PTNN phối hợp với các bộ, ngành chức năng đã xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (hiện đã trình lên Thủ tướng Chính phủ). Theo Dự thảo, đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, là yếu tố quyết định đến an ninh lương thực quốc gia, vì vậy phải được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang các mục đích sử dụng khác. Dự thảo Nghị định cũng quy định chặt chẽ hơn các nguyên tắc lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; điều kiện và thẩm quyền xét duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; quy định trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa và người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách hỗ trợ các địa phương và người nông dân yên tâm sản xuất lúa và bảo vệ quỹ đất lúa… Đáng chú ý, Dự thảo cũng quy định rõ, đối với đất lúa chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, trước khi thi công các công trình, chủ đầu tư phải thực hiện bóc lớp đất có độ dày 20cm để sử dụng cải tạo các vùng đất nông nghiệp hoặc mục đích trồng trọt khác. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong quá trình soạn thảo, có ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng. Hơn nữa nguồn kinh phí cho hoạt động này cũng chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNN thấy cần phải có nội dung này. Bởi vì lớp mặt đất trồng lúa có nhiều đặc tính rất quý, phải trải qua quá trình canh tác rất lâu dài mới hình thành và ổn định. Do đó, khi chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp, nếu không bóc lớp đất này để phục vụ cho mục đích canh tác thì rất lãng phí.


Theo một số chuyên gia kinh tế, để giữ được những “bờ xôi ruộng mật” thì cần phải thực hiện 3 giải pháp đồng bộ, đó là phải có chính sách quản lý đất lúa đúng đắn; mau chóng nghiên cứu, sản xuất những giống có thể thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư để ngăn chặn nước biển dâng, xâm mặn vào các diện tích lúa, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đó chính là việc làm cần thiết, đúng đắn và cấp bách hiện nay.