Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trên đất nước Việt Nam, mỗi miền quê, mỗi dân tộc đều có điệu hát ru con riêng biệt, thích hợp với ngôn ngữ, giọng nói và cảnh vật địa phương mình. Nhưng dù ở đâu, tiếng hát đều là những bài hát đầu tiên trong đời một con người, đều có sức gợi cảm, truyền cảm kỳ diệu. Bởi thế, khi lớn lên, dù đi khắp nơi, đi qua nhiều xứ sở mỗi người con đất Việt khi nghĩ về quê hương lại nhớ lời ru của mẹ của bà.
Do vậy, ta phải giữ lấy lời ru cho trẻ thơ? Đã có nhiều nơi đưa hát ru vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhiều người cặm cụi ghi chép lời ru, nhiều nghệ nhân truyền dạy lời ru. Mong rằng hát ru được đưa vào chương trình đào tạo giáo viên mẫu giáo, nhà trẻ để các cô giáo hàng ngày hát ru cho các cháu. Trong khung cảnh sư phạm ấy, các cháu sẽ ngấm dần lời ru và biết hát ru. Mai sau lớn lên rồi, các cháu sẽ biết hát ru như tình cảm của mình.
Từ việc tôn trọng lời ru và giữ gìn nền văn hóa dân tộc, nhất định hát ru sẽ phục hồi và phát triển. Câu hát ru cũng không bó hẹp trong lời ca cổ điển và sẽ có nhiều bài mới sáng tác hay hơn, đẹp đẽ hơn về nội dung và hình tượng.
Nếu chúng ta làm được như vậy thì mãi mãi về sau sẽ không có em bé nào quên được công ơn của người mẹ đã nuôi dạy con bằng sự vất vả và những lời hát ru đậm đà phong vị quê hương đất nước.
Xuân Châm (93 -Vân Hồ 3 - Hà Nội)
Nguồn: Báo Nghệ An 27/12/2010