Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã tổ chức kiểm tra hàng chục nhà hàng, quán nhậu để phát hiện những vụ tiêu thụ động vật hoang dã. Qua kiểm tra, các loại động vật hoang dã trong các quán nhậu, nhà hàng đã giảm hơn trước nhiều. Tuy nhiên đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số nơi chế biến món ăn, mua bán rùa, rắn, chim… Những thứ này chỉ có nhiều ở vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Nguồn tài nguyên quý hiếm
Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) nằm trên địa giới hành chính của 4 xã: Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời; xã Khánh An, Khánh Lâm, huyện U Minh, với tổng diện tích 8.527ha, trong đó: Diện tích có rừng 7.639ha, trong đó có 1.600ha rừng tràm nguyên sinh, còn lại là rừng tràm tái sinh và rừng trám tự nhiên với tổng trữ lượng gỗ trên 250.000m3.
Đây là rừng tràm nguyên sinh, có Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vồ Dơi quản lý. Ngày 20-1-2006, Chính phủ ra Quyết định 112/TTg thành lập Vườn Quốc gia U Minh Hạ (UMH). Theo quyết định này, Ban Quản lý Vườn Quốc gia UMH được thành lập, với chức năng nhiệm vụ là bảo tồn và tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn. Bảo tồn và tái tạo nguồn gen của các loài động thực vật quý hiếm, cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên cho toàn vùng. Sử dụng bền vững tài nguyên rừng, thủy sản và các sản phẩm khác của hệ sinh thái đất ngập nước để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của vùng. Bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần, di tích lịch sử, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông cho các thế hệ mai sau. Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động phát triển cộng đồng nông thôn.
Vườn Quốc gia UMH hiện nay có 79 loài thực vật. Động vật có 23 loài thú, 91 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư và 37 loài cá nước ngọt. Các loài thú có nhiều ở đây gồm: Khỉ, lợn rừng, nai, chồn mướp, rùa, rắn, ba ba… Trước đây, lợn rừng, khỉ, voọc, cầy hương ở đây rất nhiều. Nhưng đến nay, số lượng các loài chim, thú và bò sát quý hiếm ngày càng ít dần. Những loại bị săn lùng nhiều nhất là heo rừng, kì đà, chồn mướp, rùa, rắn, các loại chim... Vì lợi nhuận, các chủ nhà hàng, quán nhậu đã mua động vật hoang dã quí hiếm để cung cấp cho khách hàng. Dịch vụ tại các nhà hàng ăn uống cao cấp và đặc sản gia tăng với những quảng bá kèm theo nâng giá thu mua động vật rừng quý hiếm đang là sự khuyến khích nạn săn bắt chim, thú tại các vườn quốc gia, các khu rừng đặc dụng, đa dạng sinh học. Với đà này, không bao lâu, động vật hoang dã ở Cà Mau sẽ không còn. Các cơ quan chức năng, nhất là quản lý thị trường tỉnh Cà Mau cần sớm vào cuộc để tăng cường các biện pháp hữu hiệu bảo vệ động vật hoang dã quí hiếm.
Cần được bảo vệ nghiêm ngặt
Trước tình hình trên, Ban Quản lý Vườn Quốc gia UMH cần tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ tốt động vật hoang dã quí hiếm, trong đó có bảo vệ đàn lợn rừng đang sinh sống ở đây. Cái khó hiện nay là hàng nghìn hộ dân được khoán đất rừng và sản xuất, sinh sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia UMH còn rất nghèo. Phương thức quản lý và tổ chức sản xuất chưa được chú trọng đúng mức, nhiều bất hợp lý chưa được tháo gỡ, dẫn tới tình trạng rất khó ngăn cấm và kiểm soát người dân vào rừng săn bắt các loài động vật. Một khó khăn nữa là kinh phí cho hoạt động của Ban Quản lý Vườn Quốc gia, kiểm lâm còn quá eo hẹp. Năm 2006, theo Quyết định 112/TTg của Chính phủ, kinh phí chi cho các hoạt động của Vườn Quốc gia UMH là 145 tỉ đồng. Nhưng đến nay, đã hơn 6 năm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia UMH chỉ nhận được trên 20 tỉ đồng, chưa bằng một nửa con số lẻ của nguồn kinh phí đã được phê duyệt (!?).
|
Vừa qua, Đội Kiểm lâm cơ động và Đội Phòng cháy, Chữa cháy rừng số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Cà Mau), tiến hành thả động vật hoang dã vào Vườn Quốc gia UMH. Lực lượng chức năng đã thả vào rừng 5 con cầy vòi hương. Mỗi con có trọng lượng từ 0,8 đến 1kg. Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm được xếp vào nhóm cần được bảo tồn, cấm săn bắt, vận chuyển và buôn bán. Số động vật quý hiếm này được nuôi nhốt trái phép tại nhà ông Trương Văn Điều, phường 6, thành phố Cà Mau. Trước đó, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với Cảnh sát Môi trường thu giữ số cầy vòi hương nói trên. Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm mua bán, vận chuyển và nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trên toàn tỉnh Cà Mau…
Hiện nay, ngành chức năng và cơ quan quản lý Vườn Quốc gia UMH đã trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu khai thác lâm sản năm 2011; đôn đốc, làm việc các nhà thầu thi công tiến độ chậm và báo cáo với các cấp có thẩm quyền (Công ty Hưng Điền không thi công gói thầu số 28) để có biện pháp giải quyết theo quy định; tiếp tục kiểm tra tiến độ thực hiện thi công các công trình, nhắc nhở các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng. Những biện pháp trước mắt nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên vốn rừng là : Tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản để ban hành thực hiện Quy chế Văn hóa công sở, Quy chế làm việc Vườn Quốc gia UMH, Quy chế công tác văn thư lưu trữ; xây dựng Đề án Tổ chức hệ thống Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia UMH theo Nghị định số 117/NĐ-CP, ngày 20/12/2010 của Chính phủ về hệ thống rừng đặc dụng; thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp, Dự án đảm bảo đúng theo nguyên tắc tài chính qui định; lập phương án sản xuất khai thác, quản lý, sử dụng sản phẩm, dịch vụ dưới tán rừng để tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên đơn vị, trình các cơ quan có thẩm quyền xin chủ trương và biện pháp chỉ đạo triển khai thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm ở đây.
Bùi Văn Bồng