Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đó là khẳng định của ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tại buổi làm việc với Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng năm 2023 và lập kế hoạch năm 2024 của đơn vị này.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc PTC3 cho biết, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhưng PTC3 và các đơn vị đã có sự cố gắng nỗ lực rất lớn khắc phục khó khăn để phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch Tổng công ty giao.
Theo đó, sản lượng điện truyền tải lũy kế thực hiện 9 tháng năm 2023 ước 5,24 tỷ kWh, bằng 93,01% kế hoạch, tăng 20,39% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến đến cuối năm PTC3 sẽ đạt hơn 6,36 tỷ kWh bằng 112,9% kế hoạch giao.
Sản lượng điện truyền tải của PTC3 tăng trưởng hơn cùng kỳ năm 2022 là do cuối năm 2022 khu vực các tỉnh Tây Nguyên lượng mưa ít, nên từ tháng 2/2023 các hồ thủy điện vừa và nhỏ đã bắt đầu giảm phát và đến tháng 5/2023 nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã phải dừng phát điện, đồng thời với việc kinh tế nhiều địa phương tăng trưởng nên nhu cầu sử dụng điện tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Tổn thất điện năng trên lưới truyền tải lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,95%, giảm 0,1 so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,06% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính là do phương thức vận hành của hệ thống điện và cắt điện đường dây để thi công cao tốc Bắc – Nam.
Trong 9 tháng, PTC3 thực hiện 497 lần cắt điện (có 88 lần cắt điện đêm) để sửa chữa, bảo dưỡng, đường dây, TBA, thí nghiệm định kỳ thiết bị TBA.
Giám đốc PTC3 cho biết, dù gặp nhiều áp lực trong vận hành, có thời điểm đường dây và TBA đầy và quá tải, tuy nhiên PTC3 đã đề ra nhiều giải pháp nên các thông số vận hành lưới điện truyền tải của PTC3 luôn nằm trong giới hạn cho phép. Độ tin cậy cung cấp điện đáp ứng được yêu cầu.
Một trong những đặc thù của lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý là đấu nối và giải tỏa công suất rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực. Thời gian qua, PTC3 thực hiện nghiêm tốt thỏa thuận đấu nối các công trình lưới điện trên cơ sở các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của EVN, EVNNPT.
Trong đó, PTC3 phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, góp ý hiệu chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật điểm đấu nối trước khi thực hiện thỏa thuận kỹ thuật điểm đấu nối. Tổ chức thực nghiệm thu kỹ thuật điểm đấu nối trước thời điểm chủ đầu tư đóng điện đấu nối dự án vào lưới điện truyền tải; tham gia nghiệm thu đóng điện điểm đấu nối.
Hiện nay, PTC3 đã thực hiện thỏa thuận kỹ thuật điểm đấu nối với 58 nhà máy điện mặt trời, điện gió đấu nối vào lưới PTC3.
Ngoài ra có 38 nhà máy nhiệt điện, thủy điện, sinh khối, điện mặt trời, điện gió khác đấu nối vào lưới điện của PTC3 từ cấp điện áp 22kV đến 500kV (bao gồm các đơn vị ngoài tham gia đấu nối vào vị trí thuộc lưới của các Tổng công ty điện lực nhưng điểm cuối đường dây đấu nối vào ngăn lộ của trạm biến áp của PTC3).
Để nâng cao công tác phối hợp, hàng năm PTC3 tổ chức hội nghị phối hợp quản lý vận hành lưới điện giữa PTC3 và các chủ đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT), nội dung hội nghị để trao đổi kinh nghiệm, đánh giá tình hình thực tế lưới điện và phối hợp quản trị vận hành lưới điện.
Tối thiểu 2 lần/năm, tổ chức kiểm tra điểm đấu nối của các chủ đầu tư ngoài, trong đó tập trung vào các nội dung chính như tiến độ các tồn tại được ghi nhận tại biên bản kiểm tra điều kiện điểm đấu nối cũng như các tồn tại phát sinh trong vận hành được phát hiện trong quá trình kiểm tra.
Có kênh trao đổi thông tin online giữa hai bên để kịp thời trao đổi thông tin, đặc biệt về công tác báo cáo nhanh và xử lý sự cố lưới điện. Các chủ đầu tư cũng đã cung cấp đầy đủ các các hồ sơ pháp lý, hồ sơ thiết kế, nghiệm thu, các quy trình vận hành bảo dưỡng thiết bị, bản vẽ hoàn công nhất thứ, nhị thứ, SCADA…, hồ sơ sửa chữa, bảo dưỡng, phương án xử lý sự cố đảm bảo vận hành.
Trong công tác phối hợp vận hành, PTC3 đã phối hợp với các chủ đầu tư ban hành Quy chế phối hợp vận hành với tất cả các nhà máy điện đấu nối vào lưới điện truyền tải. Hàng năm thực hiện rà soát, hiệu chỉnh và bổ sung các nội dung chưa phù hợp/ hoặc còn thiếu cần bổ sung.
Tuy nhiên, do các nhà máy điện mặt trời đấu nối vào lưới, hiện nay một số đường dây phải thực hiện công tác cắt điện vào ban đêm để sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ. Việc thực hiện thi công, giám sát vào ban đêm rất khó khăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Việc có nhiều nguồn điện NLTT hòa lưới làm cho lưới điện truyền tải của PTC3 vận hành ở trạng thái đầy tải dẫn đến hàng ngày phải vận hành khác phương thức cơ bản tại các TBA để đảm bảo tối ưu giải tỏa nguồn điện.
Tuy là TBA không người trực nhưng hàng ngày vào thời điểm buổi sáng và buổi chiều thường có thao tác đóng cắt thiết bị để thay đổi sơ đồ kết dây, vì vậy vẫn cần có người để giám sát thao tác thiết bị. Ngoài ra, các nhà máy NLTT đấu nối vào các đường dây do Công ty quản lý vận hành phát cao làm tổn thất điện năng tăng cao trong khi sản lượng truyền tải thương phẩm thấp.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc EVNNPT – Phạm Lê Phú cùng lãnh đạo EVNNPT, lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVNNPT ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của PTC3 đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải do bối cảnh nguồn NLTT tăng cao.
Tổng Giám đốc EVNNPT đánh giá PTC3 đã làm tốt công tác phối hợp vận hành với các nhà máy điện NLTT trong khu vực, hàng năm Công ty đều tổ chức đối thoại với các nhà máy điện này để có khó khăn, vướng mắc kịp thời chia sẻ tháo gỡ, PTC3 cần tiếp tục phát huy và duy hoạt động này.
Trong thời gian tới, lãnh đạo EVNNPT đề nghị PTC3 cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, kiểm tra, thí nghiệm, sửa chữa, công tác điều tra phân tích sự cố. Kiểm tra giám sát việc chấp hành quy trình, quy phạm, chấp hành kỷ cương, kỷ luật vận hành.
Triển khai các giải pháp hữu hiệu để tiếp tục giảm thiểu sự cố trên lưới nguyên nhân do sét, do vi phạm hành lang lưới điện, do suy giảm chất lượng thiết bị. Không để xảy ra sự cố do các nguyên nhân chủ quan. Hoàn thành khối lượng sửa chữa lớn theo kế hoạch.
Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, quản lý đo đếm giao nhận điện năng… để giảm tổn thất điện năng. Phối hợp với các Ban quản lý dự án (QLDA) tổ chức nghiệm thu đóng điện các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận hành về lắp thiết bị định vị sự cố đường dây 220kV, giám sát dầu trực tuyến, giám sát bản thể, giám sát thiết bị nhất thứ, trang bị thiết bị bay không người lái (UAV) để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải và nâng cao năng suất lao động.
Tập trung triển khai chuyển đổi số theo kế hoạch của EVN, EVNNPT. Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào xử lý hình ảnh từ flycam, camera gắn tại vị trí cột đường dây. Xây dựng và ứng dụng phần mềm kiểm tra định kỳ thiết bị bằng thiết bị thông minh nhằm mục tiêu tăng cường năng lực quản lý kỹ thuật, giảm thời gian lập báo cáo, chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại.
Việc thực hiện chủ đề năm 2023, tăng cường công tác quản trị chi phí, quản lý vật tư tồn kho hiệu quả nhằm đảm bảo tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tối ưu trong hoạt động đầu tư, tổ chức thanh xử lý tài sản.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ điều phối các gói thầu các dự án thực hiện tiến độ hợp lý, tránh lãng phí thời gian và vốn đầu tư.
Toàn Thắng