Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một xu hướng nổi bật là cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên các vùng biển và đại dương thế giới. Nỗ lực của Trung Quốc để trở thành cường quốc biển đã kích hoạt sự thức tỉnh mới của châu Á về biển, giục giã các quốc gia vươn ra biển cả và đại dương nhằm bảo vệ lợi ích biển của quốc gia, sử dụng biển vào các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự. Một quốc gia muốn vươn ra biển cả thì cả dân tộc ấy phải có sự đam mê biển cả.
Một nhà tư tưởng lớn người Mỹ về sức mạnh biển, Alfred Mahan, đã tạo ra niềm cảm hứng cho người Trung Quốc hiện đại từ bỏ tư duy đất liền để hướng ra biển cả, xây dựng lực lượng hải quân theo những tiêu chí mà Mahan nêu lên trong tác phẩm kinh điển của ông xuất bản từ cuối thế kỷ 19 (Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783, NXB Boston Little, Brown & Company, 1890). Nhưng lại buộc những người đồng hương thời nay của ông tìm cách ngăn chặn việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, mở rộng tầm ảnh hưởng ra Tây Thái Bình Dương và vòng cung Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, đại diện cho các tập đoàn lợi ích mới của nước Mỹ, đã thực hiện những điều chỉnh chính sách đối nội, đối ngoại sâu rộng nhằm khôi phục lại sức mạnh của nước Mỹ, chống lại các thế lực muốn tiếm quyền lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Donald Trump đồng thời là đại diện tiêu biểu cho trào lưu dân túy chủ nghĩa nở rộ tại nhiều quốc gia trong mấy năm gần đây phản biện lại cơ chế cũ, đòi hỏi đổi mới các chính sách đối nội, đối ngoại để ứng phó với các thách thức hoặc khủng hoảng mới. Các chính sách tài chính tiền tệ, an ninh quân sự và nhập cư, đặc biệt là thương mại, của chính quyền Trump tạo ra luật chơi mới, tác động thuận nghịch đến nhiều mối quan hệ quốc tế. Các mục tiêu phi truyền thống tỏ ra khá nhất quán, nhưng đi cùng với các phát biểu thiếu nhất quán, làm cho việc dự báo chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ khó khăn. Nhưng tính khó dự đoán ấy lại chính là một đặc trưng của chính sách đối ngoại mang tên “Donald Trump”.
Quan hệ Trung-Mỹ đang chuyển biến về chất, bước vào giai đoạn “hợp tác khi có thể và cạnh tranh là tất yếu”. Sự chuyển biến này xuất phát từ sự phản tỉnh chiến lược của chính quyền Trump về nguy cơ Trung Quốc đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.
Trong mối quan hệ ấy, chính quyền Trump có lẽ không chỉ muốn giảm 200 tỷ USD thâm hụt trong cán cân thương mại. Cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì lẽ, đây là cuộc đấu tranh quyền lực về quyền lãnh đạo thế giới thế kỷ 21.
Mỹ đang tìm các hướng đột phá để giữ vững quyền lãnh đạo, đồng thời chống đỡ một trật tự thế giới đang lung lay, một trật tự vốn dựa theo khuôn mẫu của Hòa ước Westphalia dựa trên cân bằng quyền lực.
Nhà chiến lược của Hoa Kỳ, Tiến sĩ Henry Kissinger đang mối lái cho sự cân bằng quyền lực 2.0 Mỹ-Nga-Trung - một cấu trúc quyền lực mà ông ta từng thành công trong những năm 1970-1980. Có điều, đối tượng và đối tác nay đã đổi vai cho nhau; môi trường mới cần một số điều kiện mới. Tổng thống Trump sẽ phải lãnh đạo nước Mỹ đạt đến sự đồng thuận cho việc cải thiện quan hệ với Nga, nới lỏng, tiến tới bỏ cấm vận do phương Tây áp đặt đối với nước Nga, giảm căng thẳng trong quan hệ NATO-Nga, để tổ chức hiệp ước quân sự này quay về đối phó với các thách thức mới trong lòng phương Tây, trong đó có việc Trung Quốc định dùng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đột phá một vài mắt xích tại một trong các hướng chính của BRI là châu Âu.
Cặp quan hệ Trung-Mỹ là một trụ cột của hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Sự chuyển hóa của cặp quan hệ này đương nhiên sẽ dẫn đến việc cài đặt lại quan hệ của cả hệ thống, dẫn tới tập hợp lực lượng mới và không ít thì nhiều, tác động đến mọi quốc gia.
Một đặc điểm nổi bật khác của tình hình thế giới mấy năm nay là Trung Quốc tiếp tục đà trỗi dậy mạnh mẽ, đóng vai trò vừa là động lực vừa là tác nhân của nhiều biến đối sâu rộng trên thế giới. Hai năm qua chứng kiến việc Trung Quốc xác định lộ trình tiến vào trung tâm vũ đài thế giới. Ít người nghi ngờ rằng, trong vòng 15 năm tới, nếu Trung Quốc vẫn khai thác được “thời kỳ cơ hội chiến lược quốc tế”, nước này có thể hoàn thành những mục tiêu cơ bản mà Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra. Nhưng, có lẽ không chỉ mục tiêu, mà cả các cách thức để thực hiện các mục tiêu ấy, đang gây lo ngại sâu sắc cho thế giới phương Tây. Nếu một liên minh lấy Trung Quốc làm đối thủ trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ gặp không ít khó khăn và sự trỗi dậy phải chậm lại.
Như các nền văn minh trong lịch sử nhân loại cho thấy, một cường quốc để giữ được vị thế trung tâm quyền lực, cần 4 yếu tố: Lãnh thổ phải đủ rộng; dân số phải đủ lớn; nền kinh tế phải đủ mạnh; hệ tư tưởng phải đủ bền vững, gắn kết dân tộc mình và lan tỏa ảnh hưởng ra thế giới. Trung Quốc có lẽ phải làm nhiều hơn nữa bằng những cách tiếp cận phù hợp với tâm thức thời đại.
Các chiến lược gia Mỹ cho rằng, Mỹ có 10 năm trước khi quá muộn để ngăn chặn việc Trung Quốc tiến lên chiếm lĩnh vị trí chủ đạo trên vũ đài thế giới. Đối đầu thương mại chỉ là đòn mở đầu. Tiếp theo có thể là tiền tệ, dầu lửa, là những thứ còn nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ. Mới đây, Mỹ không chỉ cùng các đồng minh khởi xướng sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối trọng với BRI, mà có thể sẽ sử dụng các biện pháp tổng hợp để buộc Trung Quốc cuối cùng phải quay về giải quyết những vấn đề bên trong hoặc thu hẹp các mục tiêu tham vọng “đi ra thế giới”.
Trong lịch sử lâu dài của mình, Trung Quốc từng sáng tạo nền văn minh cổ đại xán lạn. Cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc trở thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, mà lịch sử từng chứng kiến các giai đoạn thịnh trị thời nhà Đường hoặc nhà Thanh. Trong bình “hồ lô” mà người Hoa Hạ truyền lại hẳn không thiếu các dược phương. Trước đòn phủ đầu thương mại của Mỹ, người Trung Quốc đang phản tỉnh chiến thuật về đối sách. Trước mắt, Bắc Kinh có thể đang tìm sự đồng thuận nội bộ về những nhượng bộ sách lược để hóa giải cuộc xung đột Mỹ-Trung. Về lâu dài, Trung Quốc sẽ sử dụng quốc lực dồi dào và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương để đạt đến sự tự chủ về công nghệ cao, cũng như về thương mại…
Mâu thuẫn Mỹ-Trung sẽ tác động đến nhiều mặt của đời sống quốc tế theo chiều hướng thuận nghịch. Mâu thuẫn này có thể làm chậm lại hoặc cản trở việc định hình thế giới lưỡng cực, duy trì cục diện đa cực. Nhưng các cọ xát địa chính trị/kinh tế nếu vượt tầm kiểm soát, có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Ông Trump vừa qua đã làm một cuộc cải cách sâu sắc về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ đổi mới công nghệ. Trung Quốc có thể sẽ triển khai những cải cách được ấp ủ từ lâu. Các trung tâm quyền lực khác tích cực sắp xếp lại ngôi nhà của mình, tối đa hóa lợi ích trong các tập hợp lực lượng mới.
Những quốc gia như Việt Nam sẽ chịu không ít thách thức từ môi trường địa chính trị/kinh tế mới, có thể bị cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 qua mặt. Dòng vốn đầu tư có thể bị rút về chính quốc hoặc đất nước trở thành bãi thải công nghệ thứ cấp.
Việt Nam trước hết cần nhận biết bản chất của những biến đổi, đẩy mạnh cải cách, nâng cao nội lực của mình, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo định hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Phải nâng cao chất lượng hợp tác với các nước lớn và cộng đồng ASEAN. Cần từ bỏ định kiến cũng như những ràng buộc không hợp thời về ý thức hệ, giải phóng tư tưởng, mở rộng quan hệ dựa trên “lợi ích tương quan” với các đối tác, có thể “cộng sinh” trong những lợi ích chung. Việc vận dụng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại càng mang tính thời sự sâu sắc./.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường