Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2022, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2022, công tác thương mại điện tử đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đối với công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong năm, Cục đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp và tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website thương mại điện tử và 660 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, trong năm, Cục đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cũng trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục xây dựng và phát hành ấn phẩm Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, cập nhật các các văn bản pháp luật mới có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Ấn phẩm là tài liệu tham khảo hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong việc định hướng sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, năm 2022, Cục đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra cơ hội kết nối cho doanh nghiệp trong khối ASEAN, thông qua Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN – ASEAN Online Sale Day 2022 đã có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực tại 10 quốc gia thuộc ASEAN cung cấp dịch vụ, hoạt động mua sắm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Dự báo năm 2023, hoạt động thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ, do vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, tổ chức thực thi pháp luật thương mại điện tử, cụ thể như kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.
Mặt khác, tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử và Kinh tế số như nâng cấp và vận hành các giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử (KeyPay, CeCA, 1. Vsign,...). Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (Go Online, Go Export, ECVN, Vietnamexport,...). Nghiên cứu, triển khai giải pháp nâng cao năng lực dự báo thương mại điện tử quốc gia nhằm mục tiêu nâng cao năng lực dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng thương mại điện tử, kinh tế số của ngành công thương tại 63 tỉnh/thành phố.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Công Thương, Chính phủ số Bộ Công Thương; phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử.
H. Yến