• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Gỡ vướng để doanh nghiệp góp sức đào tạo nguồn nhân lực

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vai trò của DN trong việc phối hợp tổ chức đào tạo, tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập trở nên hết sức quan trọng.

23/12/2021 18:03

Các đại biểu chia sẻ giải pháp gắn kết cơ sở đào tạo và DN trong việc dạy nghề
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại DN” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 23/12.

Nhiều chính sách khuyến khích

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho DN tham gia hoạt động GDNN, như các chính sách thể hiện quyền của DN hay DN được thành lập các cơ sở GDNN, được tham gia tổ chức đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; được tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành thực tập... Cùng với đó, các chính sách ưu đãi về thuế đối với DN tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng được quy định, như thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong năm 2021, dịch COVID-19 kéo dài đã khiến nhiều DN phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng đứt gãy, cùng với đó là nguồn lao động giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động. Từ những khó khăn đó, các hoạt động GDNN gắn với DN cũng gặp không ít thách thức.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã dẫn đến việc thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên gặp khó khăn. Trong khi đó, khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của DN trong GDNN chưa được áp dụng trong thực tiễn, thiếu chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động, nhiều DN chỉ muốn tuyển dụng lao động phổ thông không qua đào tạo.

Nhận định về việc phối hợp trong việc đào tạo nghề, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, DN tham gia công tác đào tạo nghề nghiệp cũng chính là một giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại DN, Tổng cục GDNN đã chú trọng kết nối các DN với các cơ sở giáo dục đào tạo.

Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Hưng Yên, cho biết nếu DN kết hợp với các trường đào tạo nghề thì người lao động thích ứng và chuyển đổi rất nhanh. “Trong nghề dệt may, nếu kèm cặp cho người lao động thì họ chỉ biết một vị trí công việc đó, nhưng nếu tham gia đào tạo trong vài tháng, người lao động có thể làm nhiều vị trí, giúp DN trong việc chuyển đổi sản phẩm mà không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng”, ông Nguyễn Việt Hà cho biết.

Khơi nguồn 'nhu cầu tự thân' của DN

Hiện nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại DN đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước, nhà trường và DN. Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Hùng, vẫn có DN chưa thực sự nhận thức được vai trò của việc đào tạo nghề cho người lao động nên chưa tận dụng được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, gần đây nhất là Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Để giải quyết những khó khăn này, theo các chuyên gia, nhu cầu tự thân trong đào tạo nghề của DN là rất quan trọng, bởi chỉ có DN mới biết mình thiếu lao động gì, chất lượng ra sao.

Ông Phạm Minh Tuấn (Công ty Toyota Việt Nam) cho biết, nhờ chủ động hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề đã giúp DN có nguồn lao động chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu công việc. “Hợp tác với các trường nghề chính là cách giúp chúng tôi bảo đảm nguồn lao động. Chính vì vậy, ngoài các chính sách của Nhà nước, chúng ta cũng nên chủ động trong việc đào tạo nguồn lao động”, ông Phạm MinhTuấn chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Long Biên (trực thuộc Tổng công ty May 10), DN mong muốn có lao động chất lượng cao, thích ứng với thị trường thì cần phải có sự phối hợp với các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, nên nghiên cứu cấp kinh phí trực tiếp cho DN khi tham gia giáo dục đào tạo, để DN góp sức nhiều hơn cho hoạt động này.

Về hỗ trợ chính sách cho DN, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với DN, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN. Trong đó tập trung vào các giải pháp, như đề xuất Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo, mở rộng danh mục này có chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia; phối hợp Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với DN tham gia GDNN; xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên các DN sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề nghiệp.

Thu Cúc