Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV
Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội các khóa IX, XII, XIII, đây là sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ và Quốc hội nhằm hình thành hệ thống các giải pháp đồng bộ thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Những nội dung mà Quốc hội đã quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ lần này phản ánh được yêu cầu thực tế mà nền kinh tế đặt ra.
"Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây ra, chúng ta vẫn có thể tận dụng thời cơ để không chỉ phục hồi những gãy đổ các chuỗi cung ứng của nền kinh tế, mà còn hướng tới mục tiêu trung và dài hạn để củng cố hạ tầng kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vươn lên, tạo điều kiện để chúng ta thực hiện lợi thế đang có được khi triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu…", ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Hỗ trợ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, thực ra trong quá trình chuẩn bị, gói hỗ trợ này đã được đưa ra với nhiều mức khác nhau. "Nhưng theo quan điểm của tôi, nếu đi vào chi tiết từng gói hỗ trợ trong cả một chương trình tổng thể thì con số khoảng 350.000 tỷ đồng này đa phần là tiền thực, là nguồn lực thực được sử dụng để hỗ trợ kinh tế. Tôi đánh giá gói hỗ trợ này mang tính thực chất", ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định.
Điểm nổi bật ở gói hỗ trợ này, theo ông Thành, là đã chuẩn bị một nguồn lực đáng kể cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 (60.000 tỷ đồng để phòng, chống dịch). Trong đó, có 14.000 tỷ đồng để xây dựng, chi đầu tư mới cho cơ sở hạ tầng y tế và 40.000 tỷ đồng để nhập khẩu vaccine, thuốc, thiết bị và vật tư y tế. Điều quan trọng là năm 2022, chúng ta đã chuẩn bị đủ nguồn lực để mua vaccine, thuốc chữa COVID-19, tạo được sự an tâm cho người dân và doanh nghiệp để thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Điểm quan trọng thứ hai là chương trình này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bằng chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%. Trong quý IV năm ngoái, chúng ta cũng đã giảm thuế VAT từ 10% xuống 7%, nhưng chỉ dành cho các lĩnh vực bị tác động mạnh nhất của COVID-19 như vận tải, khách sạn nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí… Chương trình lần này mở rộng hơn với rất nhiều hoạt động kinh tế, hàng hoá, dịch vụ hiện đang chịu thuế suất 10% thì đều được giảm xuống còn 8%, trừ những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Biện pháp giảm thuế VAT, kích cầu tiêu dùng sẽ có tác động lớn khi rất nhiều ngành hàng hoá và dịch vụ được kích thích tiêu dùng.
Thêm một điểm đáng chú ý của gói hỗ trợ này, đó là sẽ dành 176.000 tỷ đồng để chi cho đầu tư phát triển, đa phần là đầu tư mới cho hạ tầng giao thông. Điều này sẽ có tác động kích cầu đầu tư để phục hồi tăng trưởng. Chương trình này có quy mô lớn nhất bởi vì nó còn có tác động trong trung hạn, tăng chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm triệt để những nút nghẽn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình liên vùng đang không triển khai được vì thiếu nguồn lực, thiếu vốn.
Thách thức trong triển khai gói hỗ trợ
Trước ý kiến của một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội lo lắng về việc gói hỗ trợ này có thể làm gia tăng áp lực về lạm phát hoặc tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại, hoặc là khi tăng bội chi có thể tạo áp lực lớn hơn về vấn đề nợ công…, TS. Trần Du Lịch cho rằng, đây là những băn khoăn rất chính đáng mà Chính phủ cần quan tâm trong quá trình thực hiện.
"Trước hết, chính sách kinh tế nào cũng có những mặt tác động tiêu cực của nó và phải có sự đánh đổi nào đó, nhưng tôi cho rằng về tổng thể, cái chúng ta có được khi sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ này lớn hơn điều chúng ta đang lo lắng".
Trên cách nhìn vấn đề như vậy, theo ông Trần Du Lịch, nếu như chúng ta tăng bội chi, tăng dòng tiền, tăng dòng vốn qua hệ thống tín dụng, mà nếu như dòng tiền này đưa ra sự hấp thụ tốt, đúng đối tượng, tạo vòng quay tốt hơn thì nó sẽ khắc phục được những hệ quả như vấn đề lạm phát, hay là vấn đề nợ xấu… Do đó, chủ trương thực hiện gói hỗ trợ khoảng 350.000 tỷ đồng là một chủ trương đúng, nhưng trong năm 2022 này, trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo triển khai toàn bộ những nội dung trên là một thách thức khá lớn.
Mặt khác, ông Trần Du Lịch cho rằng, chúng ta đang đối diện với một thực tế là lạm phát trên thế giới đang trong tình trạng cảnh báo do độ mở kinh tế quá lớn, do đó, những nỗ lực để tháo gỡ những điểm nghẽn, tăng khả năng hấp thụ dòng vốn vào hoạt động kinh tế trong nước sẽ giúp cho mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được.
Tất cả những nội dung của gói hỗ trợ này sẽ được triển khai theo tinh thần Nghị quyết 01 mà Chính phủ vừa ban hành, tạo cơ sở pháp lý để những giải pháp Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 01 có thể đi vào cuộc sống thuận lợi hơn và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 6-6,5%. Nếu nhìn xa hơn cho những năm còn lại của cả kế hoạch 5 năm (2021-2025), theo ông Trần Du Lịch, gói hỗ trợ này sẽ có tác động để giúp chúng ta thực hiện được những mục tiêu kinh tế-xã hội cho các năm còn lại mà không phải điều chỉnh kế hoạch.
"Tôi cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một phiên họp bất thường để giải quyết tình trạng cũng khá bất thường đối với nền kinh tế và điều đó thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với tình hình chung của đất nước. Hoạt động này sẽ củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn đang đặt ra. Tôi tin là chúng ta sẽ đạt được kết quả như kỳ vọng khi đề ra gói hỗ trợ này", TS. Trần Du Lịch khẳng định.
Vũ Phong