Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo về Kế hoạch nêu trên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm trang bị, cập nhật và nâng cao nhận thức của người được quy hoạch, từ đó góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.
Lớp đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo khoa học, thiết thực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu chung và yêu cầu đặc thù đối với người đại biểu dân cử; vừa cập nhật kiến thức về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vừa rèn luyện một số kỹ năng cần thiết cho việc vận động bầu cử và trong hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Từ đó góp phần nâng cao ý thức về vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng hướng tới đối tượng là người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XVI giai đoạn 2026-2031 (đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2022 và 2023), được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 - đã là đại biểu Quốc hội và nhóm 2 - chưa là đại biểu Quốc hội.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được thiết kế dưới dạng các chuyên đề phù hợp với từng nhóm đối tượng bồi dưỡng, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cần thiết đối với người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kết hợp cập nhật tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ bao gồm các chuyên đề chung; các chuyên đề về đại biểu Quốc hội; các chuyên đề bổ trợ và chương trình thực tế tại các địa phương.
Tại phiên họp, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá cao Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trình Ủy ban Thường vụ xem xét Kế hoạch, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng việc có quy hoạch và tiến hành đào tạo là bước chuyển đổi trong nhận thức, góp phần chuẩn bị đội ngũ cho Quốc hội khóa sau có kiến thức kỹ năng, tâm thế thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng tình với các nội dung trong Kế hoạch, ông Bùi Văn Cường đề nghị cân nhắc thêm về các chuyên đề để đại biểu có kiến thức, hệ thống hóa các nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, thành viên của Thường trực Hội đồng Bân tộc, các ủy ban, lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát chương trình đào tạo bồi dưỡng để bảo đảm có chiến lược bài bản, căn cơ. Cùng với đó là đào tạo, bồi dưỡng các nội dung liên quan đến đại biểu Quốc hội, kỹ năng của của người đại biểu, liên quan đến Luật Tổ chức Quốc hội, về tiêu chuẩn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu đào tạo bồi dưỡng những nội dung thiết thực gắn với kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; lưu ý thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng kĩ lưỡng, công phu, lên kế hoạch cụ thể, chuẩn chỉ đến từng tên chuyên đề, đối tượng, người đào tạo…
Phó Trưởng Ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện kế hoạch, trong năm nay sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo cho các chức danh quy hoạch lần đầu, xây dựng lại các chuyên đề để phù hợp với các nội dung về kỹ năng bầu cử, hoạt động Quốc hội./.
Nguyễn Hoàng