Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề sau 20 ngày nộp đơn |
Nội dung trên do Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đề nghị đối với phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.
Lý do các chuyên gia thuộc Tổ công tác đưa ra là việc quy định 2 bộ hồ sơ (1 bộ nộp cho sở Xây dựng và 1 bộ nộp cho Hội đồng tư vấn) là không cần thiết và gây tốn kém cho người thực hiện thủ tục. Chỉ cần quy định 1 bộ nộp cho Sở Xây dựng, nếu sở thấy hợp lệ thì sẽ giao luôn bộ hồ sơ đó cho Hội đồng tư vấn nghiên cứu xem xét mà không cần người đề nghị cấp chứng chỉ phải nộp thêm 1 bộ nữa.
Về thời hạn giải quyết, Tổ công tác đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết TTHC từ 30 ngày xuống còn 20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ bởi vì hiện nay nhiều tỉnh đã thực hiện cấp chứng chỉ theo quy trình ISO 9001:2000 và cơ chế một cửa nên thực tế nhiều tỉnh chỉ thực hiện thủ tục này trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Tổ công tác phân tích thêm, trong các văn bản quy định hiện hành về nhóm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư, chỉ quy định chung là nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng, việc quy định cụ thể cá nhân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Xây dựng hoặc qua đường bưu điện sẽ giảm chi phí cho các cá nhân ở các tỉnh có diện tích rộng, địa hình phức tạp phải đi lại nộp hồ sơ tốn nhiều thời gian, chi phí.
Giảm lệ phí, bỏ quy định về thời hạn hiệu lực của chứng chỉ
Mức phí thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư hiện nay là 200.000 đồng/chứng chỉ. Tổ công tác đề xuất giảm mức thu này xuống còn 100.000 đồng/chứng chỉ.
Bởi lẽ, để cấp chứng chỉ cho cá nhân, cơ quan hành chính nhà nước chỉ tiến hành kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ do cá nhân cung cấp; không phải trao đổi, phối hợp hoặc thỏa thuận với bất kỳ cơ quan hành chính nhà nước nào khác. Trong khi đó, nhiều TTHC khác phức tạp hơn thì lại có mức thu lệ phí thấp hơn (Ví dụ thủ tục cấp giấy phép xây dựng có mức thu lệ phí là 50.000 đồng/ giấy phép). Do vậy, mức thu lệ phí 200.000 đồng/giấy chứng chỉ hành nghề theo nhận định của Tổ công tác là quá cao.
Bất hợp lý khác nằm ở quy định về thời hạn hiệu lực của chứng chỉ. Hiện nay, thời hạn của chứng chỉ hành nghề là 5 năm. Khi cá nhân xin cấp bổ sung nội dung hành nghề thì thời hạn của chứng chỉ mới theo thời hạn của chứng chỉ cũ. Theo đó, người được cấp bổ sung chứng chỉ hành nghề phải làm thủ tục đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề cho 5 năm tiếp theo. Nếu bỏ thời hạn của chứng chỉ hành nghề sẽ giảm được rất nhiều tần suất cá nhân phải làm thủ tục đề nghị cấp lại (chỉ cấp lại với trường hợp chứng chỉ bị rách, nát, bị mất) tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí.
Vì vậy, Tổ công tác đề nghị bãi bỏ quy định về thời hạn hiệu lực của chứng chỉ. Giải thích thêm cho vấn đề này, Tổ công tác cho rằng cá nhân đã được cấp chứng chỉ tức là đã có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tối thiểu để hành nghề, càng về sau điều kiện này càng được đáp ứng.
Hơn nữa, đối với mẫu đơn cũng cần đổi tên mẫu đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề thành "Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề...", vì từ "xin" trong mẫu đơn thể hiện cơ chế "xin-cho".
Khi trao đổi với chúng tôi về các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Bộ, ngành, Tổ công tác đã từng chia sẻ "trong quá trình rà soát, cắt bỏ TTHC không tránh khỏi những quan điểm chưa thống nhất, đôi khi là ý kiến trái chiều, bảo lưu quan điểm chưa phù hợp, nhưng chúng tôi xác định lấy dân làm trung tâm cải cách TTHC, bởi vậy phải "cải" làm sao để "cách" cơ quan hành chính thực hiện các TTHC đạt thuận lợi tối đa cho dân và doanh nghiệp. Đó cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất của Đề án 30".
Ngọc Hà